Triết Học Mác-Lênin – Chương 1: Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng

NỘI DUNG BÀI VIẾT

I. Khái lược triết học:

Triết Học Mác-Lênin – Chương 1: Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng

Khái niệm triết học:

Trước đây con người định nghĩa triết học như thế nào?

Thuật ngữ triết học đã xuất hiện rất sớm ở phương Đông và phương Tây(thế kỷ thứ VIII-IX trước công nguyên), cách chúng ta khoảng 2800 năm trở về trước. Thường triết học xuất hiện ở nơi nào có điều kiện nhận thức về xã hội. Do đó triết học ở phương Đông chủ yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ, triết học ở phương Tây cổ đại là Hy Lạp La Mã. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu với nền văn minh trước đây, thì con người định nghĩa triết học như thế nào? 

  • Ở Trung Quốc cổ đại triết học có nguồn gốc từ Triết, chữ triết có ba bộ phận cấu thành: đó là chữ Thụ, Câu và Khổng. Với hình tượng giống như bàn tay con người cầm cái búa, bên dưới là cái miện. Theo hình tượng này triết học không là một môn học được miêu tả hời hợt bên ngoài hiện tượng, mà triết học là một môn học đi sâu để truy tìm bản chất bên trong của đối tượng. Với ý nghĩa đó mà người Trung Quốc hiểu triết học là tri thức là trí tuệ. Trí tuệ đối với người Trung Quốc nói riêng và người phương Đông nói chung, bao hàm về sự hiểu biết của con người về thiên đạo(đạo trời) và sự hiểu biết của con người về nhân đạo(đạo làm người).
  • Ở Ấn Độ thuật ngữ triết học Đặc-san-na nghĩa là chiêm ngưỡng, với hàm ý tri thức triết học dựa trên lý trí, triết học là con đường suy ngẫm để dẫn dắt con người đến chân lý, tới lẽ phải.
  • Ở Hy Lạp thuật ngữ triết học là Pilosopiya nghĩa là tình yêu đối với sự thông thái, triết học là một tri thức sâu sắc được yêu mến và kính trọng.
  • ⇒ Cho dù triết học theo quan niệm ở phương Đông hay phương Tây thì ngay từ đầu triết học được xem là một hoạt động tinh thần, và hoạt động tinh thần đó thể hiện một khả năng nhận thức và đánh giá của con người về thế giới và về bản thân con người.⇒ Cho đến ngày nay có rất nhiều cách định nghĩa về triết học, nhưng chung quy lại ta có thể hiểu biết triết học là: một khoa học nghiên cứu về thế giới với tư cách là một chỉnh thể, để từ đó tìm ra những quy luật chung nhất về thế giới và đồng thời nêu lên vị trí của con người trong thế giới đó. Trên tinh thần đó, chúng ta có thể khái quát triết học là gì? Triết học là hệ thống tri thức, triết học là hệ thống lý luận của con người về thế giới, về vị trí và vai trò của con người trong thế giới đó.

Triết học có những đặc trưng nào?

Đặc trưng thứ nhất: Triết học thuộc về hoạt động tinh thần, tức nó là ý thức xã hội. Chúng ta xác định triết học như vậy để phân biệt với một hoạt động rất cơ bản của con người đó là hoạt động vật chất. Mà nếu triết học đó là hoạt động tinh thần, thì để thành công trong hoạt động này như giảng dạy triết học, nghiên cứu triết học, học tập triết học, ứng dụng triết học,…một cách có hiệu quả thì chúng ta phải hội tụ ít nhất hai điều kiện cơ bản sau:

  • Điều kiện thứ nhất: Cần có sự đam mê, cần có nơi để áp dụng vào thực tế, sự yêu mến môn triết học mà chúng ta nghiên cứu. Chúng ta đến với triết học không phải là sự miễn cưỡng, sự ép buộc, sự trả nợ, sự qua quýt cho qua,… Mà đến với triết học bởi một khoa học đời sống, đến với triết học bởi một tri thức sâu sắc để nghiên cứu về vũ trụ và nghiên cứu về con người.
  • Điều kiện thứ hai: Chúng ta phải có một lượng kiến thức nhất định: bao gồm tri thức sách vở và tri thức cuộc sống.

Đặc trưng thứ hai: Triết học là tri thức, nhưng không phải tri thức nào cũng là triết học. Tri thức triết học phải hội tụ đủ ba đặc trưng:

  • Tri thức triết học phải là tri thức dưới dạng hệ thống, điều đó có nghĩa sự tản mạn không thể truyền tải kiến thức triết học được.
  • Tri thức triết học phải ở dạng khái quát hóa: đi từ cái riêng để tìm ra cái chung; từ cái hiện tượng để tìm ra cái bản chất bên trong; từ cái ngẫu nhiên để tìm ra cái tất nhiên; từ cái mớ lộn xộn, bồng bông ấy để tìm ra tính quy luật vận động của sự vận động và phát triển.
  • Tri thức triết học là tri thức dưới dạng lý luận.  Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng tri thức triết học không phải là tri thức kinh nghiệm, mà là tri thức lý luận. Việc giảng dạy triết học là giảng dạy bộ môn khoa học lý luận, và tất nhiên đã là lý luận thì nó sẽ đòi hỏi những chuẩn mực riêng của nó. 

Vấn đề cơ bản của triết học:

Để hiểu được vấn đề cơ bản của triết học, ta phải hình dung rằng khoa học nào cũng có vấn đề cơ bản của khoa học đó. Thế thì vấn đề được đặc ra là cái gì được xác định là vấn đề cơ bản của khoa học đó. Thông thường một khoa học nó đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề, nhưng trong đó vấn đề nào được xem là quan trọng nhất, là cơ sở để xem xét, cơ sở để giải quyết những vấn đề còn lại thì vấn đề đó được xác định là vấn vấn đề cơ bản của khoa học đó.

Lấy một ví dụ: Khoa học X(như toán, vật lý, lịch sử,…) đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề. Thế thì trong hệ các vấn đề ấy ta giả định A và B là hai vấn đề giữ vị trí vô cùng quan trọng, A và B là điểm xuất phát, là cơ sở để xem xét, để giải quyết những nội dung còn lại của khoa học X ⇒ Vậy A và B là vấn đề cơ bản của khoa học X.

Vậy vấn đề cơ bản của triết học là gì? Ăngghen nhà triết học vĩ đại của C.Mác đã xác định vấn đề cơ bản của triết học đó là quan hệ giữa tồn tại và tư duy, hay giữa vật chất và ý thức hoặc giữa giới tự nhiên và tinh thần. Chung quy lại chúng ta có thể hiểu, vấn đề cơ bản của triết học là mối quan hệ giữa vật chất và ý thức(Chứ không phải vật chất và ý thức). 

Vấn đề cơ bản của triết học nó bao gồm hai mặt, mỗi mặt nó trả lời một câu hỏi liên quan đến thế giới và liên quan đến con người:

  • Mặt thứ nhất trả lời cho câu hỏi: Giữa vật chất và ý thức cái nào là tính thứ nhất, cái nào là tính thứ hai và cái nào có trước, cái nào quyết định cái nào? 
  • Mặt thứ trả lời cho câu hỏi: con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không? 
  • ⇒ Trả lời hai câu hỏi như vậy, thì nó liên quan mật thiết đến việc hình thành các trường phái triết học. Để hiểu rõ hơn những trường phái triết học, ChowChow Education xin mời các bạn đến với nội dung tiếp theo:

Các trường phái của triết học(Chủ nghĩa duy vật và Chủ nghĩa duy tâm)

Lịch sử triết học là lịch sử đấu tranh giữa hai trường phái Duy vật và Duy tâm. Thế thì câu hỏi được đặc ra là dựa vào đâu, vào cái gì để xác định đâu là trường phái duy vật và kia là trường phái duy tâm? Thưa các bạn, cái chuẩn mực được coi là vấn đề cơ bản của triết học thì ta có thể nói rằng đó là chuẩn mực để phân biệt chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Nếu nói như vậy, việc giải quyết quan hệ giữa vật chất và ý thức có liên quan trực tiếp đến việc hình thành các trường phái triết học.

Chủ nghĩa duy tâm:

Khi giải quyết các mối quan hệ giữa vật chất và ý thức nếu các nhà bác học nào cho rằng ý thức là tính thứ nhất và vật chất là tính thứ hai, ý thức có trước và quyết định vật chất thì được gọi nhà bác học duy tâm và gọi đầy đủ là chủ nghĩa duy tâm. Chủ nghĩa duy tâm về mặt triết học là khi giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức thì người ta quan niệm rằng ý thức là tính thứ nhất so với vật chất, là cái có trước so với vật chất và là cái quyết định vật chất.

Chủ nghĩa duy tâm có hai hình thức cơ bản đó là chủ nghĩa duy tâm chủ quan và chủ nghĩa duy tâm khách quan:

  • Chủ nghĩa duy tâm chủ quan: Họ thừa nhận tính thứ nhất của ý thức con người, xem cảm giác ý thức của con người là cơ sở tồn tại của thế giới. Và sự tồn tại của sự vật, hiện tượng chẳng qua chỉ là sự phức hợp của cảm giác mà thôi. Tiêu biểu cho chủ nghĩa duy tâm chủ quan ở mọi thời đại phải kể đến các nhà triết học ngài Ki-U, ngài Beclean,..
  • Chủ nghĩa duy tâm khách quan: Cũng thừa nhận tính thứ nhất của ý thức, nhưng đó là ý thức khách quan. Ý thức khách quan có trước giới tự nhiên, có trước con người và sinh ra giới tự nhiên và cũng sinh ra con người. Và ý thức khách quan đó được các nhà duy tâm gọi với những cái tên rất khó hiểu như ý niệm tuyệt đối; tinh thần tuyệt đối, lý tính thế giới,… Lênin người rất thẳng thắn nói rằng dù gọi với những tên gì đi nữa, thì thực chất đó là những tên gọi khác nhau về thượng đế mà thôi. 

⇒ Chúng ta đã đi qua sơ nét về chủ nghĩa duy tâm, bao gồm chủ nghĩa duy tâm chủ quan và chủ nghĩa duy tâm khách quan.

Chủ nghĩa duy vật:

Khi giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức thì các nhà khoa học nào cho rằng vật chất là tính thứ nhất, ý thức là tính thứ hai, vật chất có trước và quyết định ý thức ⇒ Đó được gọi là nhà khoa học duy vật, gọi đầy đủ hơn là chủ nghĩa duy vật.

Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình thì chủ nghĩa duy vật có ba hình thức cơ bản(không phải ba hình thức duy nhất):

Chủ nghĩa duy vật chất phát thời cổ đại: 

  • Là kết quả nhận thức của chủ nghĩa duy vật thời cổ đại, ở cả phương đông và phương tây. Và trong cái thừa nhận tính thứ nhất của vật chất, chủ nghĩa duy vật đã lý giải toàn bộ sự sinh thành là từ một hay một số dạng vật chất cụ thể cảm tính nào đó. Tức họ lý giải toàn bộ sự sinh thành của thế giới này, là nó cơ sở từ một hoặc một vài các sự vật, vật chất cụ thể cảm tính nào đó, người ta có được là bản nguyên của thế giới , là cội nguồn của thế giới.
  • Như vậy, những cái lý giải của họ về thế giới nó còn mang nặng tính trực quan và cảm tính. Do đó, những kết luận của học về thế giới còn mang tính ngây thơ, chất phát. Tức sự lý giải của người ta về vật chất nó còn mang nặng tính trực quan cảm tính(tức quan sát trực tiếp bằng các giác quan).
  • Do đó, những kết luận về thế giới còn mang tính trực quan cảm tính là như vậy.  Bên cạnh những hạn chế thì chủ nghĩa duy vật cổ đại có một yếu tố tích cực, là nó xuất phát từ vật chất để nó giải thích thế giới vật chất, xuất phát từ giới tự nhiên để giải thích giới tự nhiên,… Còn việc giải thích về thế giới thì tuyệt nhiên không đề cập đến sức mạnh của thần linh, thần thánh.
Chủ nghĩa duy vật siêu hình(từ thế kỷ 15-18 mà đỉnh cao là vào thế kỷ 17-18): 
  • Trong giai đoạn này thì khoa học và cơ học rất phát triển, trong khi đó các khoa học tự nhiên khác còn nằm trong trạng thái phôi thai. Chính vì vậy trong khi tiếp tục những quan niệm về vật chất của chủ nghĩa duy vật cổ đại, thì các nhà khoa học trong thời kỳ này đã bị chi phối bởi một tư duy gọi là tư duy siêu hình. 
  • Tư duy siêu hình: là phương pháp tư duy xem thế giới là một cỗ máy khổng lồ, trong đó bộ phận tạo nên cỗ máy đó tồn tại biệt lập với nhau. Không vận động, không phát triển mà nếu có thì chỉ là sự tăng lên hay giảm xuống về lượng mà thôi. Họ cho rằng nguồn gốc của sự vận động nằm bên ngoài thế giới, nằm bên ngoài vật chất, nằm bên ngoài các sự vật và hiện tượng. Chính vì vậy, chủ nghĩa duy vật siêu hình chưa phản ánh được hiện thực khách quan về những mối liên hệ phổ biến và về sự phát triển của thế giới. Nhưng dù sao thì chủ nghĩa duy vật siêu hình đã góp phần không nhỏ, vào việc đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo thời bấy giờ.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng:
  • Do C.Mác và Ăngghen sáng lập vào những năm 40 của thế kỷ 19, được Lênin bảo vệ và phát triển trong thời đại của mình. và trên cơ sở phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan, tức phản ánh những mối liên hệ phổ biến về sự vận động và phát triển của thế giới. Thì chủ nghĩa duy vật biện chứng đã thực sự trở thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho nhận thức và cho hoạt động thực tiễn.
  • Và toàn bộ những hệ thống quan điểm, quan niệm của chủ nghĩa duy vật biện chứng được xác định trên cơ sở lý giải một cách khoa học về vật chất, về ý thức, về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức ⇒ Và tư đây, chúng ta chuyển sang nghiên cứu những nội dung cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng

II. Quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng về vật chất, về ý thức và về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức.

Quan điểm về vật chất:

Chúng ta sẽ lý giải ba nội dung: tìm hiểu về vật chất; tìm hiểu về phương thức và hình thức tồn tại của vật chất; và tìm hiểu về tính thống nhất vật chất của thế giới.

Phạm trù về vật chất:

Ngay trong thời kỳ cổ đại thì xum quanh phạm trù vật chất đã xảy ra cuộc đấu tranh không khoan nhượng, giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm:

  • Trong khi chủ nghĩa duy tâm người ta quan niệm bản chất của thế giới, cơ sở đầu tiên của mọi tồn tại là một bản nguyên tinh thần ý thức nào đó. Tức họ xem ý thức là cơ sở tồn tại của thế giới và họ cho rằng bản chất của thế giới, cơ sở đầu tiên tồn tại của thế giới là một bản nguyên tinh thần nào đó. Thế còn vật chất chỉ là sản phẩm, của bản nguyên tinh thần đó mà thôi.
  • Trong khi đó chủ nghĩa duy vật lại quan niệm bản chất của thế giới, thực thể của thế giới là vật chất. Vật chất là tồn tại vĩnh viễn, tạo nên mọi sự vật hiện tượng cũng như những thuộc tính của bản thân chúng.

Thế nhưng trước khi chủ nghĩa duy vật biện chứng ra đời thì chủ nghĩa duy vật cũ(chủ nghĩa duy vật chất phát và chủ nghĩa duy vật siêu hình), nhìn chung các nhà triết học trước Mác quan niệm vật chất là: một hoặc một số chất tự có đầu tiên nào đó, nó là cơ sở để sinh thành ra thế giới và con người. Như vậy, người ta quan niệm ở đây vật chất là một hay một số chất tự có(không ai sinh ra mà tự nó sinh ra nó), có đầu tiên và nó là cơ sở sinh thành ra thế giới như:

  • Phái ngũ hành của Trung Quốc cổ đại quan niệm rằng kim, mộc, thủy, thổ, hỏa là những vật chất đầu tiên của thế giới, vạn vật trên thế giới đều được sinh ra từ ngũ hành.
  • Phái Niaia và Vaisesika của triết học Ấn Độ cổ đại quan niệm rằng cơ sở đầu tiên của thế giới là Anu, đó là những hạt vật chất bất biến. Nhưng những hạt Anu không đồng nhất, nó khác nhau về mặt hình dáng, khác nhau về khối lượng và những hạt Anu là cơ sở hình thành của thế giới.
  • Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại xem cơ sở vật chất đầu tiên của thế giới, là từ một hoặc một số sự vật cụ thể cảm tính nào đó. Chẳng hạn như:  Talet ông coi cơ sở đầu tiên của thế giới sinh ra vạn vật của thế là nước; Elip coi đó là lửa; Anaximăng coi đó là không khí. Và sau này thầy trò Leucippus và Democritus  thì xem đó là nguyên tử, như vậy người ta xem nguyên tử là cơ sở đầu tiên sinh ra thế giới. Quan niệm nguyên tử là cơ sở đầu tiên sinh ra thế giới, kéo dài từ thế kỷ 15-18. Tức các nhà triết học trong thời kỳ cận đại phương Tây chẳng hạn như Bê-cơn, Đề-các-tơ,…trong quan niệm vật chất không có gì thay đổi, không có gì mới hơn so với các nhà duy vật thời cổ đại. Và cụ thể là không có gì mới hơn, học thuyết nguyên tử của Leucippus và Democritus .

Đến đây chúng ta có thể hình dung rằng, các quan niệm về vật chất của các nhà duy vật trước Mác bên cạnh những ưu điểm nhất định(xuất phát từ thế giới vật chất để giải thích thế giới vật chất, xuất phát từ giới tự nhiên để giải thích giới tự nhiên,…cách nhìn của họ tuyệt nhiên không viện tới bất kì một sức mạnh thần linh nào).

Bên cạnh những ưu điểm như vậy, thì quan điểm của các nhà triết học duy vật trước Mác mà chúng ta vừa đề cập nó còn bộc lộ một số hạn chế như: 

  • Hạn chế thứ nhất: Họ quan niệm về vật chất như vậy, thì họ không hiểu chính xác được các hiện tượng của ý thức, họ không hiểu được chính xác được bản chất của các hiện tượng ý thức và cũng không hiểu được mối quan hệ giữa vật chất và ý thức. 
  • Hạn chế thứ hai: Quan niệm về vật chất như vậy thì họ không có cơ sở để định hướng, những hiện tượng vật chất trong đời sống xã hội nên không giải thích được những hiện tượng vật chất trong đời sống xã hội. Hạn chế này tất yếu đã làm cho chủ nghĩa duy vật trước Mác không triệt để, nghĩa là họ là nhà duy vật đứng ở lĩnh vực tự nhiên và giải thích về giới tự nhiên. Nhưng khi sang lĩnh vực xã hội lại đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy tâm, theo cách nói của Lênin đó là chủ nghĩa duy vật không triệt để.
  • ⇒ Đến đây ta đã thấy được quan niệm về phạm trù vật chất cần được phát triển. Và phạm trù vật chất diễn ra như thế nào ở giai đoạn tiếp theo? Chúng ta sang chủ nghĩa duy vật biện chứng của về vật chất:

Sự phát triển của khoa học tự nhiên vào cuối thế kỷ 19 đầu 20 nhất là sự phát hiện ra tia X của Hegel nhà bác học người Đức năm 1895; việc tìm ra hiện tượng phóng xạ của Becquerel năm 1895; việc tìm ra điện từ của Tôn Xơn nhà bác học người Anh vào năm 1896;… Những phát minh như vậy đã bác bỏ quan điểm của chủ nghĩa duy vật về giới hạn cuối cùng của vật chất. Những nhà triết học duy tâm đã lợi dụng hạn chế này của chủ nghĩa duy vật, nên từ đó họ khẳng định bản chất của thế giới là tinh thần chứ không phải là vật chất. Và đặc biệt họ khẳng định lực lượng siêu nhiên là lực lượng sáng tạo ra thế giới. 

⇒ Trong một bối cảnh như thế vậy cần giữ uy tín, bảo vệ và phát triển cho chủ nghĩa duy vật thì Lênin đã tiến hành việc tổng kết thành tựu của khoa học tự nhiên. Đặc biệt là của vật lý học vào thời điểm cuối thế kỷ 19 đầu 20, cùng với việc kế thừa tư tưởng của Mác và Ăngghen về vật chất. Nhằm đáp ứng nhu cầu đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm lúc bấy giờ thì Lênin đã khẳng định “Bản chất của thế giới là vật chất”, từ đó người đã đưa ra một định nghĩa về vật chất.

Định nghĩa về vật chất của Lênin: “Vật chất là một phạm trù triết học, dùng để chỉ thực tại khách quan, được đem lại cho con người trong cảm giác. Được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và  tồn tại không lệ thuộc vào vật chất”. Định nghĩa về vật chất của Lênin có những nội dung cơ bản sau:

  • Trong định nghĩ của mình về vật chất Lênin đã đòi hỏi chúng ta cần phân biệt vật chất với tư cách là một phạm trù triết học, với khái niệm vật chất được sử dụng trong các khoa học chuyên ngành. Thế sự khác biệt đó ở đâu? Sự khác biệt ở chỗ vật chất với tư cách là một phạm trù triết học, là chúng ta quan tâm về mặt bản thể luận để giải quyết những vấn đề cơ bản của triết học. Vật chất ấy là vật chất nói chung, không ai sinh ra và tiêu diệt được nó, nó tồn tại vô cùng, vô tận trong không gian và thời gian. Thế còn những vật chất sử dụng trong các khoa học chuyên ngành như vật lý, lịch sử, hóa học,…đó là vật chất cụ thể có giới hạn được sinh ra và mất đi(tức là nó sẽ chuyển hóa thành cái khác) ⇒ Nếu chỉ có sự khác biệt như vậy thì không được đồng nhất.
  • Trong định nghĩa về vật chất Lênin còn chỉ ra một thuộc tính cơ bản nhất, quan trọng nhất, phổ biến nhất của vật chất đó là thuộc tính tồn tại khách quan. Tức là tồn tại bên ngoài, độc lập với ý thức của con người và không phụ thuộc vào ý thức của con người, cho dù con người có nhận thức được nó hay không nhận thức được nó ⇒ Điều này đã nói lên rằng cứ cái gì tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý thức của con người là vật chất. Và thuộc tính này nói lên rằng cái gì thuộc về vật chất, và cái gì không phụ thuộc về vật chất. 
  • Lênin cho rằng vật chất là thực tại khách quan, được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác. Vật chất là cái có trước, nó là nguồn gốc, là nội dung của cảm giác và của ý thức. Còn cảm giác, ý thức của chúng ta có khả năng phản ánh được cái thực tại khách quan đó. Thì điều đó có nghĩa, con người hoàn toàn có khả năng nhận thức được thế giới ⇒ Đây là nội dung cơ bản trong định nghĩa về vật chất của Lênin.

Dựa trên định nghĩa về vật chất của Lênin ta thấy định nghĩa này có ý nghĩa với sự phát triển của triết học và khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên:

  • Trước hết với định nghĩa của mình về vật chất, Lênin đã đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng để giải đáp được toàn bộ hai mặt vấn đề của triết học. Ở phần trước chúng ta đã chỉ ra hai vấn đề cơ bản của triết học , và mỗi mặt trả lời cho một câu hỏi:  Mặt thứ nhất trả lời cho câu hỏi giữa vật chất và ý thức cái nào có trước, cái nào có sau và cái nào quyết định cái nào? Chúng ta đã thấy trong định nghĩa vật chất của Lênin đã khẳng định vật chất là có trước, ý thức có sau và vật chất quyết định ý thức; Mặt thứ hai trả lời cho câu hỏi con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không? Thì trong định nghĩa của mình Lênin khẳng định con người có khả năng nhận thức được thế giới.
  • Với việc tìm ra thuộc tính cơ bản nhất và phổ biến nhất đó là thuộc tính tồn tại khách quan, thì định nghĩa vật chất của Lênin đã khắc phục được hai hạn chế trong quan niệm về vật chất trong chủ nghĩa duy vật cũ. Đó là, cung cấp căn cứ khoa học để xác định cái gì thuộc về vật chất và cái gì không thuộc về vật chất. Điều đó đã tạo lập một cơ sở lý luận, để xây dựng quan điểm duy vật về đời sống xã hội(hay còn gọi là duy vật lịch sử). Trên cơ sở đó, nó khắc phục chủ nghĩa duy tâm của các nhà triết học duy vật cũ về đời sống xã hội.

Định nghĩa vật chất của Lênin(Thế giới quan và phương pháp luận triết học) như chúng ta đã phân tích ở trên, thì nó đã trở thành cơ sở khoa học. Giúp các nhà khoa học tự nhiên đi sâu để khám phá, tìm tòi để nghiên cứu về giới tự nhiên. Nó cung cấp cho họ một thế giới quan duy vật, để cho họ tiếp cận nghiên cứu về giới tự nhiên. Như vậy, chúng ta đã phân tích phạm trù vật chất theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, thông qua định nghĩa của Lênin. Nhưng việc tìm hiểu về vật chất sẽ còn thiếu sót, nếu như chúng ta không tìm hiểu xem vật chất nó tồn tại bằng cách nào?

Phương thức và hình thức tồn tại của vật chất:

(Thế giới quan và phương pháp luận triết học)Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định phương thức tồn tại của vật chất là vận động, hay vận động là phương thức tồn tại của vật chất. Trước hết chúng ta phải hiểu vận động là gì? Ăngghen nhà triết học vĩ đại của C.Mác đã khái quát vận động được hiểu theo nghĩa chung nhất, tức được hiểu là một phương thức tồn tại của vật chất, là một thuộc tính cố hữu của vật chất. Thì bao gồm mọi sự thay đổi nói chung, mọi sự biến đổi diễn ra trong vũ trụ kể từ sự thay đổi vị trí giản đơn cho đến tư duy.

Nếu nói “vận động là phương thức tồn tại của vật chất” thì có nghĩa là vật chất chỉ tồn tại được nhờ vận động, và thông qua vận động mà chúng ta có thể nhận thức được nó là cái gì? 

Ví dụ: 

Chúng ta nói mặt trời nó tồn tại được là nhờ nó vận động, bằng việc không ngừng tỏa vào không gian của vũ trụ bằng vật chất dưới dạng trường. Và trường ấy tác động vào các giác quan của chúng ta, để chúng ta biết được sự tồn tại của bản thân trường và sự tồn tại của mặt trời.

Xã hội phát triển là nhờ nó vận động thông qua hàng loạt các hoạt động của con người về kinh tế, chính trị, văn hóa,…mà chúng ta biết được chế độ xã hội ấy là chế độ xã hội ấy là chế độ xã hội gì? Chế độ xã hội ấy như thế nào?…   

Tư duy của chúng ta tồn tại được là nhờ nó vận động, nếu nó không vận động thì không có một tư duy nào, cá nhân hay dân tộc đều không tồn tại được. ⇒ Như vậy, ta hiểu được vận động là phương thức tồn tại của vật chất là ở chỗ đó. Nghĩa là nhờ có vận mà vật chất nó tồn tại được và nhờ có vận động mà nó tác động vào các giác quan của chúng ta, để chúng ta nhận biết được nó là cái gì? Thế nhưng một vấn đề đặt ra: do đâu mà vật chất tồn tại, do đâu mà vật chất vận động được hay nói một cách khác nguồn gốc của sự vận động là ở đâu? Bên trong hay bên ngoài vật chất?

Theo định nghĩa của chủ nghĩa duy vật biện chứng(Trong thế giới quan và phương pháp luận triết học) thì nguồn gốc của sự vận động và phát triển nằm bên trong vật chất. Tại sao vậy? Bởi vì mọi sự vật vật chất  nó đều là một kết cấu, trong kết cấu đó nó bao gồm các mặt các yếu tố ở bên trong nó tác động với nhau. Nó làm cho vật chất không ngừng vận động. Điều đó cho thấy vận động của vật chất có nguyên nhân từ bên trong, chúng ta xem đó là tự thân vận động.

Thế thì một vấn đề đặt ra là: Quá trình vận động của vật chất có do ai sinh ra và tiêu diệt được không? Theo tinh thần vận động là phương thức tồn tại của vật chất mà vật chất không do ai sinh ra và tiêu diệt được nó, vậy thì vận động cũng không ai sinh ra và tiêu diệt được nó.

Cũng liên quan đến vận động, một vấn đề khác đặc ra là: Vậy có bao nhiêu hình thức vận động? Ăngghen đã khái quát sự vận động của thế giới vật chất, và ông đã nêu lên năm hình thức vận động cơ bản(xếp từ thấp đến cao):

  • Hình thức thứ nhất: Vận động cơ giới tức sự thay đổi vị trí của sự vật, của con người ngoài không gian như ngôi sao đổi chỗ, phi cơ bay trên trời,…
  • Hình thức thứ hai: Vận động vật lý là vận động của phân tử của các hạt cơ bản bởi quá trình nhiệt, điện, từ,…
  • Hình thức thứ ba: Vận động hóa học là sự hóa hợp, sự phân hủy và phân giải các chất.
  • Hình thức thứ tư: Vận động sinh học là sự trao đổi chất của cơ thể sống với môi trường.
  • Hình thức thứ năm: Vận động xã hội là sự thay thế lẫn nhau giữa các hình thức kinh tế xã hội. 

Liên quan đến năm hình thức cơ bản của vật chất, thì chúng ta lưu ý những nội dung như thế này:

  • Các hình thức vận động trên thì nó tương ứng nhất định với các tổ chức của vật chất từ thấp đến cao.
  • Các hình thức vận động có mối quan hệ phán sinh, trong đó các hình thức vận động cao hình thành trên cơ sở các hình thức vận động thấp.
  • Trong sự vật hiện tượng có nhiều hình thức vận động chứ không chỉ có một hình thức vận động, nhưng bao giờ nó cũng được đặc trưng bởi một hình thức vận động cơ bản nào đó. Ví như trong cơ thể sinh vật thì có nhiều hình thức vận động: cơ, lý, hóa, sinh học,… Nhưng hình thức đặc trưng của sinh vật là vận động sinh học, tức là quá trình trao đổi chất giữa cơ thể sống với môi trường. Liên quan đến các hoạt động về chất, chúng ta có thể dẫn dắt một số nội dung như vậy.

Cũng liên quan đến vận động, chúng ta tìm hiểu giữa vận động và đứng im. Chủ nghĩa duy vật biện chứng(Trong thế giới quan và phương pháp luận triết học) không chỉ thể hiện vận động là phương thức tồn tại của vật chất, mà còn khẳng định vận động là tuyệt đối và đứng im là thăng bằng, là tương đối. Khi ta nói đứng im là tương đối, là vì những lý do sau:

  • Đứng im chỉ xảy ở một hình thức vận động, chứ không phải với mọi hình thức vận động. Ví dụ: Con tàu đang đứng im ở bến cảng, nhưng so với mặt trời thì nó đang chuyển động.
  • Hiện tượng đứng im nó chỉ liên quan đến một mối liên hệ, chứ không phải mọi mối liên hệ.
  • Đứng im không phải là tồn tại vĩnh viễn, mà nó chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định mà thôi. Hơn nữa trong đứng im, nó vẫn diễn ra những biến đổi nhất định trong kết cấu của vật chất.
  • ⇒ Tất cả những lý do như vậy, đã chứng tỏ rằng đứng im và cân bằng chỉ là tương đối.

Như vậy, chúng ta đã phân tích những nội dung cơ bản liên quan đến vận động là hình thức tồn tại của vật chất. Nếu vận động là phương thức vận động của vật chất, thì không gian và thời gian theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng nó là hình thức tồn tại của vật chất. Vậy không gian là gì? Thời gian là gì? Nó có những tính chất nào? Khi nói tới không gian, cũng như nói tới thời gian là nói tới không thời gian vật chất. Bởi vậy:

  • Khi nói tới vật chất là nói đến các chiều tồn tại của nó, là nói đến cái này bên cạnh cái kia, cái này ở trong hay ngoài cái kia. Thì điều đó nói lên các hình thức tồn tại của vật chất ⇒ Xét về mặt không gian.
  • Thế còn vật chất nào nó cũng có độ dài diễn biến của nó, và nó được thể hiện ở quá trình kế tiếp nhau của các quá trình từ quá khứ đến tương lai ⇒ Điều đó muốn nói đến mặt thời gian của vật chất.

Như vậy, không gian và thời gian có tính chất gì? Như chúng ta vừa xác định không gian, thời gian là không gian và thời gian vật chất. Bởi vậy, vật chất tồn tại khách quan thì không gian và thời gian cũng tồn tại khách quan(tức nó không phụ thuộc vào ý muốn của con người). Vật chất là vô cùng, vô tận thì không gian và thời gian cũng vô cùng vô tận. Nghĩa là không gian và thời gian không có tận cùng, không có giới hạn, cũng không ai sinh ra và tiêu diệt được nó. Ngoài ra, không gian là ba chiều(dài, rộng, cao), thời gian là một chiều(từ quá khứ đến tương lai, thời gian không có chuyện quay ngược lại).

Tính thống nhất vật chất của thế giới:

Khi đề cập đến vấn đề này chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định, bản chất của thế giới là vật chất và thế giới nó thống nhất ở tính vật chất của nó. Và khi nói thế giới nó thống nhất tính vật chất của nó, thì nó thể hiện ba nội dung như sau:

  • Chỉ có một thế giới duy nhất và thống nhất đó là thế giới vật chất, thế giới vật chất này nó có trước và tồn tại khách quan độc lập với ý thức của con người. Ngoài thế giới vật chất này ra thì không thể có thế giới thứ hai, thứ ba không vật chất nằm cạnh thế giới vật chất.
  • Các sự vật, hiện tượng muôn hình và nhiều vẻ của thế giới cho dù nó khác nhau như thế nào đi chăng nữa, thì chúng đều là những dạng khác nhau của vật chất mà thôi. Chúng đều có mối liên hệ vật chất với nhau, là nguyên nhân và kết quả của nhau, đều bị chi phối bởi những quy luật chung giống nhau.
  • Thế giới vật chất này không do ai sinh ra và tiêu diệt được nó, nó tồn tại vô cùng và vô tận trong không gian và thời gian.

Thế thì, một vấn đề đặt ra là sự khẳng định tính thống nhất vật chất của thế giới thì chủ nghĩa duy vật biện chứng(Trong thế giới quan và phương pháp luận triết học) căn cứ vào đâu? Khi nói về điều này Ăngghen đã từng khẳng định rằng: “Khi chúng tôi khẳng định tính thống nhất vật chất của thế giới không phải bằng vài ba lời lẽ của kẻ ảo thuật, mà là sự chứng minh lâu dài và bền bỉ của triết học và khoa học tự nhiên”. Điều đó cho thấy khi chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định tính thống nhất vật chất của thế giới, là dựa vào những thành tựu của khoa học tự nhiên và dựa vào hoạt động thực tiễn của loài người từ trước đến nay. Chứ không phải, chủ nghĩa Mác-Lênin tưởng tượng ra và gắn kết vào thế giới. Chúng ta nên nhớ và nên biết rằng dù con người có giàu óc tưởng tượng đến đâu đi nữa, thì cũng không thể tưởng tượng ra cái mà thế giới vật chất không có(chí ít nó cũng phải có nguồn gốc từ thế giới vật chất).

Quan điểm về ý thức:

So với vật chất ý thức được xem là một lĩnh vực rất phức tạp, chính vì vậy mà liên quan đến chủ nghĩa duy vật biện chứng(Trong thế giới quan và phương pháp luận triết học) về vật chất chúng ta sẽ tìm hiểu lần lược ba vấn đề: nguồn gốc ý thức, bản chất ý thức và kết cấu ý thức.

Nguồn gốc của ý thức(tức chúng ta lý giải con người có ý thức là do đâu):

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, thì ý thức có hai nguồn gốc: nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội.

Nguồn gốc tự nhiên của ý thức:

Thể hiện ở sự hình thành của bộ óc con người và hoạt động bộ óc người. Cùng với mối quan hệ của con người, với thế giới khách quan(Nói đến nguồn gốc tự nhiên của ý thức là nói đến sự hình thành của bộ óc con người và hoạt động của bộ óc người, cùng với mối quan hệ của con người và thế giới khách quan. Trong mối quan hệ này, thế giới khách quan tác động lên bộ óc của con người. Để từ đó, tạo ra khả năng hình thành ý thức của con người về thế giới khách quan. Nghĩa là trong mối quan hệ của con người và thế giới khách quan, thì thế giới khách quan tác động tới bộ óc của con người để từ đó tạo ra khả năng hình thành ý thức của con người về thế giới khách quan).

Nói về bộ óc người, thì ý thức là một thuộc tính của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ óc người. Điều đó có nghĩa là ý thức do vật chất sinh ra, nhưng có điều không phải vật chất nào cũng sinh ra ý thức. Mà chỉ có vật chất nào nó tiến hóa cao như là bộ óc con người, thì mới có nghĩa là ý thức do vật chất sinh ra. 

Bộ óc con người được xem là một dạng thuộc tính, của một dạng vật chất có tổ chức cao của ý thức. Nếu nói như vậy thì bộ óc con người là một cơ quan vật chất đặc biệt, đặc biệt ở chỗ kết cấu của nó rất phức tạp và tinh vi. Nó còn đặc biệt ở chỗ nó bao hàm một số lượng thần kinh cực kỳ lớn, khoảng 14-15 tỷ tế bào thần kinh trung ương. Qua đây, ta có thể nói rằng bộ óc là cơ quan thần kinh trung ương của con người. 

Nhiệm vụ của bộ óc là thu nhận, phân tích, xử lý và điều khiển những hoạt động của con người. Bộ óc con người thu nhận và phản ánh từ các giác quan, tức các giác quan thu nhận cái phản ánh từ bên ngoài vào. Thì khi đó bộ óc con người mới phân tích, mới lọc bỏ và khái quát thành tri thức và thành ý thức. 

Như vậy, ta có thể hình dung nếu như thế giới vật chất chưa tiến hóa tới tổ chức cao là bộ óc của con người thì tuyệt nhiên chưa thể có ý thức. Vấn đề đặt ra là: Có bộ óc người rồi thì có ý thức hay không? và câu trả lời là không. Mà bộ óc người nó chỉ được xem là cơ quan vật chất đặc biệt, và để hiểu được làm sao cơ quan vật chất đặc biệt này sinh ra được ý thức thì chúng ta cần nghiên cứu mối quan hệ giữa vật chất với bộ óc người(tức chúng ta nghiên cứu mối quan hệ giữa thế giới khách quan với bộ óc người). 

Thế thì, mối quan hệ giữa óc người và thế giới khách quan thì ta thấy rằng chính mối liên hệ này nó đã hình thành quá trình phản ánh thế giới vật chất vào bộ óc của con người. Tuy nhiên, không chỉ có bộ óc con người mới thuộc tính phản ánh, mà chúng ta cần hiểu rằng phản ánh là thuộc tính phổ biến phản ánh của mọi vật chất(đã là vật chất thì nó sẽ có tính năng và năng lực này). 

Vậy phản ánh là gì? chúng ta có thể hiểu phản ánh là sự tái tạo những đặc điểm của dạng vật chất này ở dạng vật chất khác, trong quá trình tác động lẫn nhau giữa chúng

Ví dụ: Khi nước tác động tới thanh sắt thì thanh sắt nó phản ánh bằng cách nó bị han, rỉ sét. Ở đây ta có thể hiểu nước là vật tác động, sắt là vật nhận tác động ⇒ Như vậy, chúng ta hình dung rằng kết quả của sự phản ánh ấy thì nó phải phụ thuộc vào hai vật(vật tác động và vật chịu tác động). Trong quá trình này, thì vật nhận tác động bao giờ cũng mang thông tin của vật chịu tác động. Nói về điều này, để chúng ta thấy được rằng đây là điều rất quan trọng để chúng ta làm sáng tỏ nguồn gốc tự nhiên của ý thức.

Như chúng ta đã trao đổi phản ánh là thuộc tính chung của vật chất, nhưng tương ứng với quá trình tiến hóa của vật chất thì phản ánh nó cũng có quá trình phát triển từ thấp đến cao và nó thể hiện qua bốn hình thức khác nhau:

  • Phản ánh vật lý, hóa học: Hình thức này đặc trưng cho hình thức phản ánh vô sinh, và nó thể hiện về sự biến đổi về cơ, lý, hóa. Tức là sự thay đổi về kết cấu, về vị trí, về các tính chất lý, hóa trong quá trình hóa hợp và phân giải của các chất. Thế nhưng, chúng ta phải thấy rằng đây là một hình thức phản ánh thấp nhất và hình thức phản ánh này nó còn thụ động. Vì nó chưa hề có sự lựa chọn về hướng tác động, tức là khi bị tác động như thế nào thì nó nhận tác động như thế đó.  
  • Phản ánh sinh học: Đặc trưng cho vật chất hữu sinh(Vật chất hữu sinh là vật chất nào có khả năng trao đổi chất của cơ thể sống với môi trường, thì được xem là vật chất hữu sinh. Phản ánh này thể hiện ở các mức độ như kích thích, cảm ứng, phản xạ,… Kích thích thể hiện ở động vật và thực vật, nó thể hiện chiều hướng sinh trưởng, phát triển, màu sắc, cấu trúc,…khi nó nhận tác động từ bên ngoài của môi trường. Ví dụ: Hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời; Rễ cây có xu hướng hướng về nơi có nước và chất dinh dưỡng;… Mức độ thứ hai là tính cảm ứng, tính cảm ứng này nó là phản ứng của động vật có hệ thần kinh và nó tạo ra năng lực được gọi là năng lực cảm giác. Nó được thực hiện trên cơ sở điều khiển của quá trình thần kinh cơ chế của phản xạ không có điều kiện và khi có sự tác động từ bên ngoài vào nghĩa là từ môi trường bên ngoài lên cơ thể sống của nó.).
  • Phản ánh tâm lý(tâm lý động vật): Là phản ánh phản ứng của động vật có hệ thần kinh trung ương, nó được thực hiện trên sự điều khiển của hệ thần kinh thông qua cơ chế phản xạ có điều kiện(tức nó phản ánh phản ứng phải kèm theo một điều kiện nào đó).
  • Phản ánh ý thức: Là phản ánh phản ứng năng động sáng tạo, đây là hình thức phản ánh cao nhất, được thực hiện ở dạng vật chất phát triển cao nhất, có tổ chức cao nhất là bộ óc con người. Đây là sự phản ánh có sự chủ động, lựa chọn, xử lý thông tin để tạo ra những thông tin mới và phát hiện ra ý nghĩa của những thông tin.
Nguồn gốc xã hội của ý thức:

Để ý thức ra đời thì những tiền đề nguồn gốc tự nhiên như trên là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để ý thức ra đời. Để ý thức ra đời cần có nguồn gốc từ xã hội, đó chính là lao động và ngôn ngữ. 

Lao động có vai trò như thế nào với việc hình thành ý thức?
  • Trước hết chúng ta cần hiểu: con người khác với loài vật là ở chỗ loài vật sống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên(nghĩa là giới tự nhiên ban tặng cho chúng cái gì thì chúng sống nhờ vào cái đó, chúng ăn trái cây, chúng ăn củ rừng, chúng uống nước suối, nước sông,… Nhưng giới tự nhiên dù hào phóng đến đâu chăng nữa, thì những vật phẩm cung cấp cho chúng rồi cũng dần cạn kiệt và rồi sẽ không còn nữa. Bởi vậy chúng muốn tồn tại được, thì chúng phải chứng tỏ bản năng của chúng. “Mạnh được, yếu thua” mà trước đây vài thế kỷ trước Đacuyn đã khái quát).
  • Nhưng con người thì khác: Những vật phẩm của tự nhiên không đủ để bạn tặng cho con người vì nhu cầu của con người rất đa dạng, rất phong phú. Con người không chỉ có nhu cầu về ăn uống, mà có nhu cầu về đi lại, ăn, ở,…mà những như vậy thì không có sẵn trong tự nhiên. Để thỏa mãn nhu cầu đó, thì con người buộc phải lao động. Và khi lao động thì con người dùng công cụ lao động, tác động vào giới tự nhiên. Khi con người dùng công cụ lao động tác động vào giới tự nhiên, thì đã làm cho giới tự nhiên bộc lộ những thuộc tính, những kết cấu và những quy luật vận động của chúng. Và tất cả những điều đó, làm biểu hiện các hiện tượng nhất định mà con người có thể quan sát được. Những hiện tượng đó thông qua các hoạt động giác quan của con người, chúng tác động vào bộ não con người. Để từ đó chúng hình thành, tạo nên những tri thức nói riêng và ý thức nói chung.
  • Chúng ta có thể hình dung rằng, sự ra đời của ý thức chủ yếu là hoạt động cải tạo thế giới khách quan thông qua lao động. Và vì thế, mà lao động tạo ra ý thức của con người. Ý thức của con người không thể ra đời nếu con người chỉ ngắm nhìn thế giới tự nhiên, và than thân trách phận. Mà để hiểu được giới tự nhiên con người phải thông qua lao động, dùng công cụ lao động tác động vào giới tự nhiên để giới tự nhiên bộc lộ ra những thuộc tính, những kết cấu và những quy luật của chúng. Và như đã nói, những điều đó chúng tạo thành hiện tượng mà con người có thể quan sát được. Những hiện tượng ấy, thì thông qua những giác quan của con người tác động đến bộ óc và từ đó nó tạo ra con người có tri thức. Và rõ ràng, sự ra đời của tri thức thì chủ yếu thông qua hoạt động cải tạo giới tự nhiên bằng quá trình lao động. Lao động đã tạo ra tri thức, và tạo ra tư tưởng của con người.
Cùng với lao động, chúng ta sẽ xem xét vai trò của ngôn ngữ:
  • Trước hết chúng ta hãy hình dung do nhu cầu của lao động và nhu cầu của giao tiếp mà ngôn ngữ đã hình thành. Như vậy, ngôn ngữ hình thành do nhu cầu của lao động và nhu cầu của giao tiếp. Khi chúng ta nói ngôn ngữ hình thành do nhu cầu lao động và nhu cầu giao tiếp, thì chúng ta thấy rằng lao động của người nguyên thủy cách chúng ta hàng triệu năm trở về trước không giống chúng ta ngày nay(và lao động ngày ấy là lao động săn bắt).
  • Ví dụ: Khi thấy một con mồi, thì cả bầy đoàn người vây quanh nó để vồ bắt. Nhưng trong quá trình săn bắt tức trong quá trình lao động, sẽ gặp các chướng ngại như mô đất, gốc cây. Đó là khe hở cho con mồi chạy mất, vậy làm cho quá trình đi săn không gập hiệu quả. Từ những lần thất bại đó, con người thấy rằng cần có nhu cầu trao đổi với nhau một thứ gì đó, cần phải quy ước với nhau một điều gì đó mà ngôn ngữ đã xuất hiện. Ngôn ngữ ra đời từ nhu cầu của giao tiếp, nhu cầu của lao động. Và khi ngôn ngữ ra đời rồi, thì nó là hệ thống tín hiệu vật chất mang nội dung ý thức. Vì vậy, không có ngôn ngữ thì ý thức không thể ra đời và phát triển được.
  • Vậy vai trò của ngôn ngữ là gì? Ngôn ngữ vừa là phương tiện để giao tiếp dùng để trao đổi, nhưng đồng thời cũng là công cụ của tư duy để nhằm khái quát hóa và trừu tượng hóa hiện thực. Nhờ có ngôn ngữ mà con người đã tổng kết được thực tiễn, trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm, truyền đạt tư tưởng, truyền đạt sự hiểu biết từ thuế hệ này sang thế hệ khác. Hơn nữa ngôn ngữ không thuần túy là hiện tượng cá nhân, mà nó là một hiện tượng xã hội. Chính vì vậy, không có phương tiện trao đổi xã hội về mặt ngôn ngữ thì tri thức không thể hình thành và phát triển được.
  • Đến đây, chúng ta có thể kết luận rằng: Nguồn gốc cơ bản, trực tiếp và quan trọng nhất giữ vai trò quyết định đến sự ra đời của ý thức là nhân tố lao động, sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ. Đó là hai chất kích thích cực kì quan trọng, để mà chuyển từ bộ óc của loài vượn thành bộ óc của con người và chuyển tâm lý của động vật thành ý thức của con người.

⇒ Kết luận: Ý thức có hai nguồn gốc là nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội. Nói đến nguồn gốc tự nhiên của ý thức, là nói đến sự hình thành và phát triển của bộ não, với hoạt động bộ óc người cùng với mối quan hệ của con người với thiên nhiên khách quan. Nhưng nguồn gốc tự nhiên là điều kiện cần, chứ chưa đủ để ý thức xuất hiện. Mà để ý thức xuất hiện thì cần có điều kiện đủ đó là ý thức xã hội, là lao động và ngôn ngữ.

Bản chất của ý thức:

Khi khái quát về bản chất của ý thức, thì chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng: “Ý thức là sự phản ánh năng động sáng tạo thế giới khách quan của bộ óc người, là hình ảnh chủ quan của thế giới khác quan”. Như vậy, sự phản ánh của ý thức không phải là phản ánh thụ động, ý thức không phải là bản sao của thế giới khách quan một cách giản đơn, cứng nhắc. Mà trái lại, sự phản ánh của ý thức nó là phản ánh năng động sáng tạo về thế giới khách quan. Và câu hỏi được đặt ra là: Tính năng động sáng tạo ấy của quá trình phản ánh đó được thể hiện ở những điểm nào?

  • Ý thức có khả năng phản ánh chọn lọc hiện thực khách quan, sự phản ánh của nó là sự phản ánh chọn lọc chứ không phải điều gì nó cũng phản ánh và nó phản ánh để tìm ra bản chất bên trong của đối tượng.
  • Trên cơ sở những tri thức đã có về sự vật(tức trên cơ sở đã có những hiểu biết về sự vật), mà ý thức của con người có khả năng tạo ra tri thức mới về sự vật. Và sáng tạo ra những tư tưởng, những giả thuyết, những huyền thoại trong đời sống tinh thần của con người. Như vậy ta có thể hình dung rằng, trên cơ sở những tri thức đã có về sự vật, mà ý thức của con người đã tạo ra những tri thức mới về sự vật, những tư tưởng mới, những giả thuyết và những huyền thoại trong đời sống tinh thần của con người.
  • Trên cơ sở hiểu biết về sự vật, mà ý thức có thể dự báo được xu hướng của sự vận động và phát triển của sự vật trong tương lai. Bao gồm cả tương lai gần và tương lai xa: Ví dụ như dựa vào hành động không tôn trọng giới tự nhiên(xả ra môi trường các loại Rác thải, nước thải, khí thải,… chưa qua xử lý) như đã và đang xảy ra, thì chúng ta có thể dự báo rằng trong một thời gian không lâu con người sẽ bị trả giá bởi những hành động của mình đối với giới tự nhiên(Lục lọi, bão tố, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,…).
  • Ý thức với tư cách là hình ảnh chủ quan của thế giới khác quan, thì nó luôn luôn phản ánh thế giới khách quan một cách năng động. Thế tính năng động trong quá trình phản ánh của ý thức thì nó được thể hiện ở đâu? Nó được thể hiện ở chỗ con người thông qua hoạt động thực tiễn của mình mà đã chủ động, tác động vào hiện thực khách quan, và buộc hiện thực khách quan bộc lộ ra những thuộc tính của chúng. Những quy luật để con người có thể nhận thức, trên cơ sở đó có tri thức về thế giới khách quan. 
  • Con người biết vận dụng hiểu biết của mình về thế giới khách quan, để chỉ đạo hoạt động bản thân của mình nhằm cải tạo thế giới khách quan theo mục đích của mình. 

⇒ Như vậy, chúng ta đã hình dung quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng về bản chất của ý thức(Trong thế giới quan và phương pháp luận triết học). Chúng ta có thể hình dung bản chất của ý thức là sự phản ánh năng động, sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc con người và là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.

Kết cấu của ý thức:

Như chúng ta đã tìm hiểu, thì chúng ta đã nhận ra ý thức có một cấu trúc cực kỳ phức tạp. Do đó, có nhiều cách tiếp cận về kết cấu của ý thức, nên trong khuôn khổ bài viết này chúng ta sẽ tiếp cận theo các yếu tố hình thành. Nếu như vậy thì ý thức bao gồm tri thức, tình cảm và ý chí đó là ý tố cơ bản cấu thành nên ý thức của con người. Vậy tri thức là gì? Tình cảm là gì? Ý chí là như thế nào? Mà chúng có thể cấu thành nên ý thức của con người như thế vậy?

  • Trước hết là tri thức: Tri thức được hiểu là toàn bộ sự hiểu biết của con người về thế giới, đó là kết quả của quá trình nhận thức và là sự tái tạo lại những hình ảnh của đối tượng được nhận thức dưới dạng các loại ngôn ngữ(ngôn ngữ nói, viết, hình ảnh). Nếu hiểu tri thức như vậy, nếu căn cứ vào các lĩnh vực nhận thức thì tri thức chia thành tri thức tự nhiên, tri thức xã hội và tri thức về con người mà ngày nay ta thường gọi là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học nhân văn. Nếu căn cứ vào trình độ phát triển của ý thức thì được chia làm các trình độ và mức độ như: Tri thức kinh nghiệm, tri thức lý luận, tri thức đời thường, tri thức khoa học, nhận thức cảm tính, nhận thức lý tính.
  • Yếu tố thứ hai là tình cảm: Tình cảm được hiểu là những rung động, biểu hiện thái độ của con người trong quan hệ với thế giới bên ngoài và cũng như trong quan hệ với chính bản thân mình. Tình cảm luôn tham gia vào mọi hoạt động của con người, giữ vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động của con người. Có thể nói, đây là yếu tố phát huy sức mạnh, là động lực thúc đẩy con người nhận thức vào thực tiễn. 
  • Yếu tố thứ 3 là ý chí: Là sự biểu hiện sức mạnh của bản thân của con người, nhằm giúp chúng ta vượt qua được những cản trở và khó khăn trong quá trình thực hiện mục đích của mình. Nếu hiểu ý chí như vậy, thì ta có thể xem ý chí là quyền lực của con người đối với chính mình. Nó giúp con người điều chỉnh, điều khiển hành vi của mình để con người tiến đến mục đích một cách tự giác. Cũng như vậy, ý chí nó giúp cho con người tự kiềm chế, tự làm chủ bản thân và đồng thời quyết quyết đoán trong mọi hoạt động theo quan điểm và niềm tin của mình đã xác định.

⇒ Đây là bao yếu tố cơ bản cấu thành nên ý thức(xin lưu ý với các bạn là ba yếu tố cơ bản, chứ không phải ba yếu tố duy nhất), ba yếu tố này có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, tri thức là yếu tố quan trọng nhất vì nó là phương thức tồn tại của ý thức. Đồng thời nó là nhân tố định hướng cho sự phát triển và quyết định mức độ hiểu biết của con người một cách khác nhau. Trong thời đại ngày nay, kinh tế loài người đã và đang chuyển dần sang nền kinh tế tri thức(Ví dụ: Một chiếc Laptop trị giá 20 triệu đồng, nếu chúng ta đem bán phần thô của máy ở khu phế liệu được 500 nghìn đồng thì 19 triệu 500 nghìn đồng là giá trị của tri thức).

Quan điểm về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức:

Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức:

  • Chủ nghĩa duy vật(Trong thế giới quan và phương pháp luận triết học) khẳng định vật chất có trước ý thức, quyết định ý thức, ý thức là cái phản ánh nên là cái có sau, là cái bị quyết định. Như trên chúng ta đã rõ, ý thức là một thuộc tính của một dạng vật chất sống có tổ chức cao, tổ chức đặc biệt. Đó là bộ óc người. Do vậy, không có bộ óc người thì không thể có ý thức. Hơn nữa, ý thức tồn tại phụ thuộc vào hoạt động thần kinh của bộ não trong quá trình phản ảnh thế giới khách quan.
  • Vật chất còn là cơ sở, nguồn gốc của những nội dung mà ý thức phản ánh. Nghĩa là vật chất quyết định nội dung phản ánh của ý thức. 
  • Mặc dù vật chất quyết định ý thức, nhưng ý thức có tính năng động sáng tạo, cho nên thông qua hoạt động thực tiễn của con người có thể tác động trở lại vật chất bằng cách thúc đẩy hoặc kìm hãm ở một mức độ nào đó các điều kiện vật chất, góp phần cải biến thế giới khách quan. Tuy nhiên, sự tác động trở lại của ý thức đối với vật chất dù đến đâu chăng nữa vẫn phụ thuộc vào các điều kiện vật chất. Cho nên, xét đến cùng thì vật chất luôn quyết định ý thức.

Ý nghĩa của mối quan hệ giữa vật chất và ý thức trong nhận thức và cải tạo hiện thực.

  • Từ quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức, triết học Mác-Lênin rút ra quan điểm khách quan trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Quan điểm khách quan yêu cầu, trong nhận thức phải nhận thức sự vật vốn như nó có, không “tô hồng, bôi đen”. “Tô hồng, bôi đen” trong nhận thức đều là phản ánh không đúng sự vật, từ phản ánh không đúng này dẫn tới sai lầm trong hành động.
  • Trong hoạt động thực tiễn luôn luôn phải xuất phát từ thực tế khách quan, tôn trọng quy luật khách quan và hành động theo quy luật khách quan. Chúng ta không thể lấy mong muốn chủ quan thay cho thực tế khách quan, không thể dùng hành động không đúng quy luật khách quan. Vì như vậy sẽ trả giá và thất bại. 
  • Quan điểm khách quan cũng yêu cầu trong hoạt động thực tiễn phải biết phát huy tính năng động, sáng tạo của ý thức, tinh thần trong cải tạo thế giới. Nghĩa là phải cố gắng, tích cực vươn lên, biết phát huy tối đa lực lượng vật chất hiện có. Đồng thời, phải tránh rơi vào chủ nghĩa khách quan, tức là trông chờ, thụ động, ỷ lại điều kiện khách quan, không cố gắng, không tích cực và không chịu khó vươn lên.
  • Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta cùng với việc coi trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của nhân dân đã rất chú trọng phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội.
  • Quan điểm khách quan cũng yêu cầu phải chống bệnh chủ quan, duy ý chí, tuyệt đối hóa ý thức, tinh thần trong hoạt động thực tiễn. Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trước đổi mới(1986) cho thấy, chúng ta đã mắc phải bệnh chủ quan duy ý chí trong xây dựng mục tiêu, trong xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Khắc phục những sai lầm chủ quan này, trong quá trình đổi mới Đảng và Nhà nước ta đã xuất phát từ thực tiễn đất nước vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm đề ra đường lối phát triển kinh tế – xã hội phù hợp. Do vậy, mọi mặt đời sống của nhân dân được nâng lên, vị thế của đất nước được nâng cao.(Kết thúc phần 1)

III. PDF Triết học Mác-Lênin – Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng

Xem bài viết Triết Học Mác-Lênin – Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng bằng PDF:

Tải PDF Triết Học Mác-Lênin – Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng

Bạn tải về TẠI ĐÂY!

Ở học phần Triết Học Mác-Lênin này, chúng ta vừa tìm hiểu sơ lược về phần Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng. Những phần còn lại sẽ cùng nằm trong chuyên mục “Kiến thức lý luận” trong Website chowchoweducation.com mời các bạn tham khảo!

Hãy để lại nhận xét của bạn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Website Giáo Dục
Logo
Enable registration in settings - general
Compare items
  • Total (0)
Compare
0
Shopping cart