3 Quy Luật Cơ Bản Của Phép Biện Chứng Duy Vật Theo Quan Niệm Triết Học Mác-Lênin

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Phần 1: Một số vấn đề chung về quy luật:

Khái niệm quy luật:

  • Trước khi đi vào tìm hiểu nội dung, chúng ta tìm hiểu xem quy luật là gì? Thế thì trong cuộc sống hằng ngày đằng sau những hiện tượng muôn hình và muôn vẻ, chúng ta tưởng chừng rất lộn xộn như thế vậy. Thì con người đã dần nhận thức được cái trật tự của chúng, và những mối liên hệ lập lại của các hiện tượng như vậy. Và từ đó nó hình thành nên khái niệm quy luật. Như vậy, quy luật không phải là sự sáng tạo thuần túy với ý thức của con người, con người không tưởng tượng và bịa đặt ra quy luật. Mà quy luật là sự phản ánh khách quan của tự nhiên, xã hội và tư duy. Nếu như vậy, thì quy luật mang tính khách quan.
  • Do đó, con người không thể tạo ra quy luật, cũng như không thể xóa bỏ được quy luật. Mà con người chỉ có thể vận dụng quy luật, trong thực tiễn mà thôi. Từ đó, chúng ta có thể hiểu khái quát về quy luật như thế này: Quy luật là những mối liên hệ bản chất, tất yếu, phổ biến và lập đi, lập lại giữa các mặt, các yếu tố, các thuộc tính bên trong mọi sự vật và hiện tượng hay giữa các sự vật với nhau. Từ việc hiểu về quy luật như thế vậy, chúng ta sang tìm hiểu sự phân loại quy luật:

Phân loại quy luật:

Căn cứ thứ nhất: Căn cứ vào mức độ phổ biến hay không phổ biến:

  • Quy luật riêng: là quy luật tác động trong phạm vi nhất định của từng sự vật và hiện tượng.
  • Quy luật chung: là quy luật tác động trong phạm vi rộng hơn, tức nó liên quan đến nhiều sự vật và hiện tượng.
  • Quy luật phổ biến: là quy luật tác động trong cả tự nhiên, xã hội và tư duy. 

Căn cứ thứ hai: Căn cứ vào lĩnh vực tác động của quy luật:

  • Quy luật tự nhiên: là quy luật nảy sinh và tác động trong tự nhiên, do đó nó không thông qua hoạt động của con người và nó không liên quan đến hoạt động của con người. 
  • Quy luật xã hội: là quy luật có hoạt động của con người, bởi vì xã hội là của con người vì có con người mới có xã hội. 
  • Quy luật tư duy: là quy luật hoạt động của tư duy, hoạt động của nhận thức của con người trong quá trình phản ánh thế giới khách quan.

⇒ Thế thì ở đây, phép biện chứng duy vật với tư các là một khoa học thì nó phản ánh những quy luật phổ biến, tác động trong tất cả các lĩnh vực trong tự nhiên, xã hội và tư duy của con người. Và các quy luật của phép biện chứng duy vật, thì nó phản ánh các phương diện khác nhau của quá trình vận động và phát triển của thế giới. Trong đó: Quy luật những chuyển hóa về lượng dẫn đến những chuyển hóa về chất và ngược lại, thì phản ánh cái phương thức vận động và phát triển về sự vật;  Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, thì nó phản ánh nguồn gốc của sự vận động và phát triển; Thế còn quy luật phủ định của phủ định, thì nó phản ánh khuynh hướng của sự vận động và phát triển. Từ việc hiểu khái quát về quy luật, chúng ta bắt đầu tìm hiểu từng quy luật của phép biện chứng duy vật:

Phần 2: Quy luật chuyển hóa những thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại:

3 Quy Luật Cơ Bản Của Phép Biện Chứng Duy Vật Theo Quan Niệm Triết Học Mác-Lênin

Khái niệm chất, lượng.

Khái niệm chất:

Vật chất là gì? Chất là khái niệm dùng để chỉ tính quy định khách quan, vốn có của sự vật và hiện tượng và là sự thống nhất hữu cơ của các thuộc tính cấu thành nên sự vật, để nói lên sự vật là nó và để phân biệt giữa nó với sự vật khác. Từ đó chúng ta có thể hình dung, mọi nguyên tố hóa học là một chất riêng. Từ ngày mà nhà bác học Mendeleev công bố 60 nguyên tố hóa học cho đến ngày nay, các thế hệ nhà hóa học đã phát hiện ra hơn 10 nguyên tố hóa học mới. Mỗi loài động và thực vật, thì đều là một chất riêng và bản thân các sự vật và hiện tượng trên thế giới cũng là một chất riêng. Thế khi nhắc đến khái niệm chất, thì chúng ta lưu ý một số nội dung sau:

  • Cái tạo nên chất của sự vật là các thuộc tính đó là những tính chất, những thuộc tính, những trạng thái, những yếu tố cấu thành nên sự vật và hiện tượng. Và cái thuộc tính này là cái vốn có của bản thân sự vật và hiện tượng. Điều này khẳng định rằng, chất của sự vật là cái tồn tại khách quan không phụ thuộc vào ý thức của con người. 
  • Mỗi sự vật có nhiều thuộc tính, nhưng mỗi thuộc tính nó biểu hiện một chất của sự vật. Điều đó, có thể nói lên rằng sự vật có thể có nhiều chất khác nhau. 
  • Sự vật có nhiều thuộc tính, nhưng các thuộc tính tham gia vào việc quy định chất không giống nhau. Sỡ dĩ như vậy là vì các thuộc tính cơ bản, các thuộc tính không cơ bản, mà trong đó hợp chất cơ bản nó mới hợp thành chất của bản thân sự vật và hiện tượng. Chính vì vậy, khi mà thuộc tính cơ bản thay đổi hay mất đi thì chất của sự vật và hiện tượng cũng sẽ thay đổi và mất đi. Thế còn những thuộc tính không cơ bản giã sử nó có thay đổi hay mất đi, thì sự vật đó vẫn chưa thay đổi và mất đi. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý việc phân biệt giữa thuộc tính cơ bản và thuộc tính không cơ bản nó chỉ có ý nghĩa tương đối. Tức là trong quan hệ này nó là thuộc tính cơ bản, nhưng trong quan hệ khác nó là thuộc tính không cơ bản. Ví dụ: Cùng là một cái cốc(ly) nếu dùng để cắm hoa thì người ta cần thuộc tính cơ bản là cái cốc đó phải có hoa văn, nhưng nếu là cái cốc để nuôi cá thì người ta cần cái cốc có thuộc tính cơ bản là trong suốt…
  • Chất của sự vật nó không chỉ được xác định bởi chất của các yếu tố cấu thành nó, mà còn được xác định bởi cấu trúc và phương thức liên kết giữa các yếu tố tạo nên chúng. Ví dụ: Kim cương và than chì đều được cấu tạo từ Cacbon, như chúng ta đều biết giữa kim cương và than chì đều có chất khác nhau. Sỡ dĩ như vậy là vì, sự liên kết các Cacbon để tạo thành kim cương khác với sự liên kết của Cacbon trong than chì. Chính vì lẽ đó, mà chúng ta thấy là chất nó không chỉ được xác định bởi các yếu tố cấu thành nó mà còn được xác định bởi cấu trúc và phương thức liên kết giữa các yếu tố cấu thành nó gộp lại.

⇒ Đây là những gì chúng ta hiểu biết về khái niệm chất, cùng với chất thì chúng ta sang phần tiếp theo:

Khái niệm lượng:

Lượng là khái niệm dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật và hiện tượng, về các phương diện số lượng các yếu tố cấu thành, quy mô của sự tồn tại, tốc độ và nhịp điệu của các quá trình vận động và phát triển của các sự vật và hiện tượng. Khi nhắc đến khái niệm về lượng, chúng ta cần lưu ý một số nội dung như sau:

  • Lượng nó không tồn tại khách quan như chất, tức nó là cái vốn có của sự vật và hiện tượng. Thế nhưng, điều mà lượng chưa làm cho sự vật và hiện tượng là bản thân lượng chưa nói lên bản thân nó là nó. Vì vậy, mà nó chưa thể làm nó khác những cái khác được đó là điều khác với chất.
  • Sự vật và hiện tượng ngày càng phức tạp bao nhiêu, thì thông số về lượng nó càng phức tạp bấy nhiêu. Trong giới tự nhiên, lượng được diễn tả bằng những con số chính xác và có thể đo đếm được. Ví như: tốc độ ánh sáng, một vật rơi tự do, tổng số nơron thần kinh,… Nhưng trong lĩnh vực xã hội thì bên cạnh những con số đếm được, con người vẫn có những lượng khó đong đếm được. Tuy nhiên, con người vẫn nhận thức được lượng trong đời sống xã hội nhờ những khả năng hình tượng hóa, khái quát hóa ví dụ như: khi đánh giá một phong trào nào đó thì hành động của con người là cao hay thấp, đánh giá trạng thái tình cảm là nông hay sâu, đậm hay lạt,… 
  • Lượng có thể là nhân tố quy định bên trong của sự vật, chẳng hạn như số lượng nguyên tử hợp thành các nguyên tố hóa học. Thế nhưng, lượng cũng có thể biểu hiện những nhân tố bên ngoài của sự vật chẳng hạn như khi nói về chiều dài, rộng và cao của sự vật.

⇒ Như vậy, ta đã hiểu sơ bộ hai khái niệm chất và lượng. Từ đó chúng ta có thể thấy như thế này: Chất và lượng là hai phương tiện khác nhau, của cùng một sự vật và hiện tượng. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa chất và lượng nó chỉ là tương đối. Nghĩa là, trong mối liên hệ này là chất nhưng trong mối liên hệ kia lại là lượng. Nhưng cho dù nó tương đối như vậy, thì chúng ta cũng cần phải nhận thức được nó vì vai trò, vị trí của chúng khác nhau đối với sự tồn tại và phát triển của sự vật và hiện tượng. Từ những cơ sở vừa nêu, chúng ta chuyển sang nội dung tiếp theo:

Quan hệ biện chứng giữa chất và lượng:

Thưa các bạn, trong quan hệ biện chứng giữa chất và lượng thì chúng ta cần hiểu hai nội dung:

Những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất:

Để chúng ta hiểu được những thay đổi về lượng, dẫn đến những thay đổi về chất diễn ra như thế nào? Thì chúng ta lần lượt tìm hiểu ba khái niệm liên quan: Độ, bước nhảy, điểm nút.

Khái niệm về độ:
  • Chúng ta biết là các sự vật và hiện tượng đều là thể thống nhất giữa chất và lượng. Chất và lượng nó thống nhất với nhau, trong một độ nhất định. Vậy độ là gì? Độ là giới hạn mà trong đó lượng có sự thay đổi mà chất chưa đổi, sự vật và hiện tượng vẫn còn là nó chưa biến thành sự vật hiện tượng khác. 
  • Ví dụ: Trong điều kiện áp suất bình thường tức điều kiện 1 apnotphe, thì sự thay đổi từ O°C ⇒ 100°C chưa làm cho nước thay đổi từ trạng thái lỏng sang trạng thái hơi hay trạng thái rắn. Vậy khoảng thay đổi nhiệt độ đó người ta gọi là độ.
  • Giới hạn về độ chúng ta hình dung là chất và lượng có tác dụng với nhau, nó làm cho sự vật không ngừng biến đổi nhưng sự biến đổi này thường bắt đầu từ sự biến đổi về lượng. Tuy nhiên, mọi sự biến đổi về lượng, không tức khắc làm cho chất thay đổi. Cho dù chúng ta có thể làm cho chất biến đổi ngay, nhưng đó chỉ là làm ảnh hưởng đến chất của sự vật và hiện tượng. 
  • Vậy khi nào sự thay đổi về lượng mới dẫn đến sự thay đổi về chất? Khi lượng thay đổi đến một giới hạn nhất định và trong những điều kiện nhất định, thì chất của sự vật và hiện tượng thay đổi. Lúc này sự vật và hiện tượng cũ mất đi, và sự ra đời của sự vật và hiện tượng mới. Ở đây, chúng ta hiểu rằng khi lượng thay đổi đến một giới hạn nhất định và có những điều kiện nhất định ví như ở ví dụ trước: nước từ 0°C vượt qua giới hạn độ là 100°C, nhưng phải có điều kiện là xảy ra ở điều kiện bình thường 1 apnotphe. Khi nhiệt độ của nước quá 100°C thì khi ấy nước ở dạng lỏng ban đầu sẽ mất đi, dạng mới sẽ ra đời đó là dạng khí. 
  • Sự vật và hiện tượng diễn ra sự thay đổi tuần tự về lượng và đến một giới hạn nhất định, trong những điều kiện nhất định thì nó sẽ thay đổi về chất. Tương tự như vậy, sự vận động và phát triển của sự vật nó diễn ra vô cùng và vô tận, nó không có tận cùng và không có giới hạn. 
  • Như vậy, chúng ta hình dung giữa chất và lượng nó thống nhất với nhau trong một độ và sự tác động của chúng dẫn tới sự thay đổi về chất diễn ra như thế nào? Chúng ta tiếp tục nghiên cứu phần tiếp theo:
Khái niệm về bước nhảy:
  • Thưa các bạn sự thay đổi về chất được xem là bước nhảy. Như vậy, chúng ta có thể hình dung bước nhảy nó đã kết thúc một giai đoạn biến đổi về lượng. Nó là sự gián đoạn của quá trình vận động liên tục của sự vật và hiện tượng, nhưng có điều nó không chấm dứt sự vận động nói chung, mà nó chỉ chấm dứt một dạng tồn tại của các sự vật và hiện tượng mà thôi.
  • Như vậy, ta có thể hiểu rằng bước nhảy xảy ra là điều tất yếu. Tuy nhiên, hình thức của bước nhảy thì nó diễn ra vô cùng phong phú vì chúng khác nhau về quy mô, về nhịp điệu,…
  • Về quy mô thì có bước nhảy toàn bộ và bước nhảy bộ phận: Bước nhảy toàn bộ là bước nhảy thay đổi toàn bộ về chất của các mặt, các yếu tố cấu thành sự vật và hiện tượng. Còn bước nhảy cục bộ là bước nhảy thay đổi những mặt, những yếu tố riêng lẻ của sự vật và hiện tượng. 
  • Về nhịp điệu(là nói đến thời gian): Có những bước nhảy diễn ra trong thời gian ngắn, ví như các cuộc cách mạng xã hội diễn ra rất ngắn nhưng đã làm thay đổi về chất của sự vật hiện tượng, trong sự thay thế của một chế độ xã hội này bằng một chế độ xã hội khác cao hơn. Bước nhảy diễn ra trong thời gian dài và thậm chí là rất dài, ví như sự tiến hóa từ loài vượn thành người thì quá trình đó diễn ra hàng vạn năm.
Khái niệm về điểm nút:
  • Ở đây, ta có thể hiểu thời điểm mà bước nhảy được thực hiện thì gọi là điểm nút. Ví dụ: Thời điểm mà nước từ dạng lỏng sang dạng hơi thì gọi là điểm nút,…
  • Thế nhưng, sự vận động và phát triển của sự vật và hiện tượng trong thế giới thì nó diễn ra từ sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất. Quá trình đó đã tạo ra những điểm nút vô cùng, vô tận và điều đó cũng thể hiện sự vận động và phát triển vô cùng, vô tận của thế giới. Tức là, không bao giờ có điểm nút cuối cùng.

Những thay đổi về chất dẫn đến những thay đổi về lượng:

  • Với quy luật này nó không chỉ nói tới một chiều như chúng ta vừa trình bày ở trên(Những thay đổi về lượng, dẫn đến sự thay đổi về chất), mà còn dẫn đến chiều ngược lại đó là những thay đổi về chất dẫn đến những thay đổi về lượng. Vậy khi chất mới ra đời thì nó sẽ ảnh hưởng, tác động lại lượng của sự vật. Thế thì, chất mới tác động lại lượng của sự vật như thế nào? Thưa các bạn, chất mới ra đời tạo ra các lượng trên những phương diện như nó làm cho lượng thay đổi về kết cấu, về quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển đối với sự vật và hiện tượng. 
  • Ví dụ: Khi các bạn sinh viên tốt nghiệp đại học thì các bạn đã tích trữ đủ về mặt lượng nhằm thực hiện bước nhảy về chất(Lúc các bạn đã nhận bằng cử nhân hoặc kỹ sư,…),trình độ của bạn đã nâng lên một chất mới. Và điều này sẽ tạo điều kiện cho các bạn thay đổi về kết cấu, về quy mô, trình độ, tri thức về lượng để chuẩn bị cho bước nhảy về chất mới đó là tiếp tục học lên để nhận bằng thạc sĩ(nếu các bạn có nhu cầu – chúng tôi chỉ lấy một ví dụ về bằng cấp cho các bạn dễ hình dung, nhưng trên thực tế có rất nhiều người trình độ của họ đã được nâng cao hơn rất nhiều nhưng không cần đến bằng cấp đó là nhờ tinh thần tự học của họ). 
  • Một ví dụ tiếp theo: Khi chủ nghĩa tư bản ra đời thay thế cho chủ nghĩa phong kiến thì đã tạo nên sự phát triển về lực lượng sản xuất, năng suất lao động(Riêng về năng suất lao động đã tạo nên một năng suất lao động cực kỳ lớn, bằng tất cả xã hội trước cộng lại). 
  • Như vậy, khi chất mới ra đời thì nó tác động, nó ảnh hưởng đến lượng về kết cấu, về quy mô, về nhịp điệu của sự vận động và phát triển như chúng ta đã trình bày ở phần trên. Từ mối quan hệ biện chứng giữa chất và lượng chúng ta đi đến kết luận:

⇒ Thực chất mối liên hệ biện chứng giữa chất và lượng là gì? Đó là sự thay đổi dần dần về lượng tới giới hạn độ, sẽ dẫn đến sự thay đổi căn bản về chất của sự vật thông qua bước nhảy. Lúc này chất mới ra đời sẽ tác động trở lại sự thay đổi về lượng, và đó chính là phương thức vận động và phát triển của các sự vật và hiện tượng. Vậy mối liên hệ này có ý nghĩa như thế nào? Chúng ta sang phần tiếp theo:

Ý nghĩa phương pháp luận của quy luật:

Từ việc trình bày khái niệm chất, khái niệm lượng và đặc biệt là hai nội dung biện chứng của mối liên hệ giữa lượng và chất chúng ta rút ra bốn kết luận sau:

Để chúng ta có tri thức đủ về sự vật, thì đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đủ về hai mặt(mặt chất và mặt lượng) của sự vật.

  • Tại sao phải như vậy? Bởi vì như chúng ta đã nói ở trên, mỗi mặt của chúng đều có vị trí và vai trò khác nhau trong quá trình vận động và phát triển của chúng.

Chúng ta biết mọi sự biến đổi của sự vật đều bắt đầu từ sự biến đổi về lượng, hay bất kỳ sự thay đổi nào về chất nào cũng bắt đầu từ sự thay đổi về lượng. 

  • Ví dụ: Để trở thành nhà tư bản thì người ta phải có những năm tháng gom góp tích lũy về tiền bằng những gánh ve chai, gánh lông gà, những xe hủ tiếu cóc cách ban đêm,…Để mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng,… người ta tích lũy được một lượng tiền, đến khi lượng tiền ấy khả dĩ, đủ để mua tư liệu sản xuất và thuê mướn công nhân. Thì từ một người lao động bình thường đã trở thành ông chủ. 
  • Bởi vậy, bất kỳ sự biến đổi nào của sự vật bao giờ cũng bắt đầu từ sự sự thay đổi về lượng. Nên trong hoạt động thực tiễn của chúng ta nếu chúng ta muốn có sự thay đổi về chất, thì nhất định phải tôn trọng sự tích lũy về lượng(dứt khoát phải như vậy). 
  • Do đó, chúng ta cần tránh những tư tưởng nóng vội, chủ quan, đốt cháy giai đoạn. Biểu hiện của tư tưởng chủ quan, nóng vội và đốt cháy giai đoạn là không có chủ trương tích lũy về lượng, không quan tâm đến việc tích lũy về lượng nhưng lại nôn nóng thực hiện bước nhảy thay đổi về chất. Nếu chúng ta cứ hoạt động như vậy, thì nhất định trong lĩnh vực nào và hoạt động nào thì sớm hay muộn cũng sẽ thất bại.

Quy luật của tự nhiên, xã hội nó đều mang tính khách quan. Nhưng với  quy luật tự nhiên là quy luật tự động nó diễn ra, còn quy luật xã hội là có sự tham gia và hiện diện của con người nhưng là con người có ý thức. Vì vậy:

  • Để thực hiện những bước nhảy trong đời sống xã hội như trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục,…Thì con người không nên chỉ trông chờ vào điều kiện khách quan và tôn trọng điều kiện khách quan, mà phải nỗ lực chủ quan(cần nhấn mạnh việc nỗ lực chủ quan).
  • Ví dụ: Đất nước chúng ta kết thúc thời kỳ quá độ, chúng ta đang bước vào giai đoạn 2 của hình thái kinh tế Cộng sản Chủ Nghĩa là giai đoạn Chủ nghĩa Xã Hội. Thì một mặt chúng ta phải tôn trọng điều kiện khách quan và các quy luật khách quan của thời kỳ quá độ, nhưng mặt khác chúng ta cần phải nỗ lực chủ quan. Sự nỗ lực chủ quan đó nó thể hiện ở vai trò lãnh đạo của Đảng, thông qua đường lối, chủ trương và chính sách của mình. Nó thể hiện qua vai trò quản lý của nhà nước, thể hiện ở ý chí và nghị lực của toàn xã hội.

⇒ Như vậy, muốn thực hiện bước nhảy trong xã hội thì nhất khoát không chỉ phải tôn trọng điều kiện tự nhiên khách quan mà phải nỗ lực chủ quan là như vậy.

Vì chúng ta đã biết bước nhảy của sự vật và hiện tượng nó diễn ra rất đa dạng, rất phong phú. Do đó, mà trong nhận thức thì chúng ta phải vận dụng linh hoạt các hình thức của bước nhảy, để nó phù hợp với từng điều kiện và từng lĩnh vực cụ thể. 

⇒ Trên đây là những kết luận rút ra từ từ việc nghiên cứu mối quan hệ biện chứng giữa chất và lượng. Chúng sang nội dung của quy luật tiếp theo:

Phần 3: Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập(Quy luật mâu thuẫn)

3 Quy Luật Cơ Bản Của Phép Biện Chứng Duy Vật Theo Quan Niệm Triết Học Mác-Lênin

Đây là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật, được các nhà bác học kinh điển(đặc biệt là Mác và Lênin) đánh giá quy luật này có vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống của phép biện chứng duy vật. Bởi vì, quy luật này nó chỉ ra nguồn gốc bên trong của sự vận động và phát triển. Để thấy rõ được điều này, chúng ta sẽ lần lược nghiên cứu những nội dung sau:

Khái niệm mâu thuẫn và các tính chất chung của mâu thuẫn:

  • Khái niệm mâu thuẫn: Trong phép biện chứng thì khái niệm mâu thuẫn dùng để chỉ mối liên hệ, sự thống nhất, đấu tranh và chuyển hóa của các mặt đối lập của những sự vật và hiện tượng hoặc giữa các sự vật và hiện tượng với nhau. Như vậy, chúng ta hiểu khái niệm mâu thuẫn dùng để chỉ mối liên hệ, sự thống nhất, đấu tranh, chuyển hóa giữa các mặt đối lập giữa các mặt đối lập của mỗi sự vật và hiện tượng hoặc giữa các sự vật và hiện tượng với nhau. Vậy nhân tố tạo thành mâu thuẫn chính là mặt đối lập. Vậy mặt đối lập là gì?
  • Mặt đối lập là khái niệm dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính, những khuynh hướng vận động trái ngược nhau nhưng lại là tiền đề, là điều kiện cho sự tồn tại của nhau. Ví dụ: Điện tích âm và dương trong nguyên tử; Đồng hóa và dị hóa; sản xuất và tiêu dùng trong hoạt động kinh tế; đúng sai trong nhận thức;…những điều này được gọi là mặt đối lập. Những mặt đối lập như vậy, nó tạo thành mâu thuẫn của sự vật. Vậy mâu thuẫn của sự vật nó có những tính chất gì?

Tính khách quan:

  • Mâu thuẫn là cái vốn có của bản thân sự vật và hiện tượng, do đó nó không phụ thuộc vào ý thức của con người. 
  • Như chúng ta đã chỉ ra ở trên: Mâu thuẫn được tạo nên bởi các mặt đối lập, mà các mặt đối lập là cái vốn có của bản thân sự vật(ví như đồng hóa và dị hóa, sản xuất và tiêu dùng trong nền kinh tế, điện tích âm và dương trong nguyên tử,…). Những mặt đối lập này là khách quan, nên nó không phụ thuộc vào ý thức của con người.

Tính phổ biến:

  • Không có sự vật hiện tượng nào mà không có mâu thuẫn, như vậy bất kỳ sự vật hiện tượng nào trong thế giới này trong tự nhiên, xã hội và tư duy đều có mâu thuẫn.
  • Mâu thuẫn nó tồn tại trong suốt quá trình vận động và phát triển của sự vật. Chứ nó không tồn tại trong lúc này hay lúc kia, mà là tồn tại suốt quá trình vận động và phát triển của sự vật. 
  • Trong một sự vật và hiện tượng nếu mâu thuẫn được giải giải quyết, thì sẽ có mâu thuẫn mới nảy sinh.
  • Ví dụ: Chẳng hạn nguyên tử nó được tạo thành bởi các sự vật trong giới vô sinh, đó là sự thống nhất của các điện tích trái dấu âm và dương; Mỗi sinh vật đều có sự thống nhất giữa các quá trình đồng hóa, dị hóa, biến dị, di truyền,…; Còn xã hội chúng ta chứa đựng đầy mâu thuẫn, nó được tạo thành bởi các mặt và các yếu tố như: giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, giữa giai cấp cầm quyền này với giai cấp cầm quyền kia,…; Và sự phát triển của nhận thức là quá trình mà nó diễn ra mâu thuẫn như giữa chủ quan với khách quan, giữa chân lý với sai lầm, giữa tư tưởng tiến bộ với tư duy bảo thủ và lạc hậu,… Như vậy, ta có thể hình dung trong tự nhiên, xã hội và tư duy không ở đâu mà không có mâu thuẫn, điều đó nói lên mâu thuẫn có tính phổ biến là như vậy.

Tính đa dạng phong phú:

  • Các sự vật và hiện tượng khác nhau thì có mâu thuẫn khác nhau, điều đó cho thấy không có sự vật và hiện tượng nào có mâu thuẫn giống sự vật và hiện tượng nào cả.
  • Trong cùng một sự vật và hiện tượng ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau, thì biểu hiện mâu thuẫn cũng khác nhau. Ví dụ: Mâu thuẫn của chúng ta với chủ nghĩa Đế quốc nhưng trong từng giai đoạn lịch sử, thì mâu thuẫn nó thể hiện khác nhau.
  • Mâu thuẫn có thể chia ra làm nhiều loại như: Mâu thuẫn bên trong, mâu thuẫn bên ngoài, mâu thuẫn thứ yếu, mâu thuẫn chủ yếu,…mỗi loại lại có một đặc điểm riêng. Vì vậy, mâu thuẫn có tính đa dạng và phong phú là như vậy.

Quá trình vận động của mâu thuẫn:

Sự thống nhất của các mặt đối lập.

Trong mỗi mâu thuẫn các mặt đối lập vừa thống nhất với nhau, nhưng cũng đồng thời vừa đấu tranh với nhau. Như vậy, mâu thuẫn của sự vật thì nó bao gồm các mặt đối lập, nhưng các mặt đối lập nó vừa thống nhất và vừa đấu tranh với nhau. Vậy thì sự thống nhất của các mặt đối lập được hiểu như thế nào? Ở đây chúng ta có thể hiểu theo hai nghĩa:

  • Thống nhất của các mặt đối lập nghĩa là: Các mặt đối lập chúng liên hệ với nhau, chúng ràng buộc nhau, chúng quy định lẫn nhau và chúng làm tiền đề cho nhau để tồn tại. Ví dụ: Các mặt đối lập như ta đã nói ở trên như điện tích âm và dương trong nguyên tử, đồng hóa và dị hóa trong sinh vật, sản xuất và tiêu dùng trong kinh tế,…Thì chúng thống nhất với nhau theo nghĩa các mặt đối lập chúng liên hệ với nhau, chúng ràng buộc lẫn nhau, chúng quy định lẫn nhau và mặt đối lập này lấy mặt đối lập kia làm điều kiện tồn tại cho mình.
  • Sự thống nhất, sự phù hợp, sự tác động ngang nhau và là sự kết hợp hài hòa cân đối giữa các mặt đối lập.

Sự đấu tranh của các mặt đối lập:

  • Sự đấu tranh của các mặt đối lập là các mặt đối lập nó phát triển theo khuynh hướng ngược chiều nhau, loại trừ và phủ định lẫn nhau. 
  • Hình thức đấu tranh của các mặt đối lập thì nó rất phong phú, rất đa dạng. Do đó, cần căn cứ vào từng sự vật và hiện tượng để chúng ta hiểu sự đấu tranh của các mặt đối lập đó nó diễn ra như thế nào? Chẳng hạn đấu tranh giữa các giai cấp đối kháng trong xã hội, giữa địa chủ với nông dân, giữa tư sản với vô sản, giữa kẻ xâm lược với dân tộc bị xâm lược,…Thế thì nó diễn ra theo dạng xung đột lẫn nhau về mọi mặt và thường dùng bạo lực để đối xử với nhau, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn một cách căn bản. Nhưng trong khi đó sự đấu tranh của đồng hóa và dị hóa; sức hút với sức đẩy; vi phân với tích phân,… của giới tự nhiên thì chúng lại diễn ra dưới dạng tác động lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau và dưới dạng phát triển theo chiều hướng phát triển ngược chiều nhau.
  • Như vậy, rõ ràng là đấu tranh của các mặt đối lập không thể hiểu như nhau được. Mà phải tùy vào từng sự vật và hiện tượng, để hiểu sự đấu tranh của các mặt đối lập sao cho đúng. Do đó, mà các mặt đối lập nó vừa đấu tranh và vừa thống nhất với nhau. Nhưng ở đây sự thống nhất của các mặt đối lập chỉ là tương đối, còn sự đấu tranh của các mặt đối lập mới là tuyệt đối. 
  • Hơn nữa, sự đấu tranh của các mặt đối lập trong những điều kiện nhất định nó sẽ dẫn đến sự chuyển hóa giữa chúng(các mặt đối lập). Khi ấy mâu thuẫn được giải quyết dẫn đến sự vật và hiện tượng cũ mất đi, sự vật và hiện tượng mới ra đời.
  • Nhưng chúng ta không nên hiểu sự chuyển hóa của các mặt đối lập một cách đơn giản, một cách máy móc là chỉ căn cứ vào sự thay đổi vị trí cho nhau của các mặt đối lập mà thôi. Mà sự thật việc đấu tranh giữa các mặt đối lập, nó diễn ra rất phong phú.

⇒ Chính vì vậy mà ta phải căn cứ vào từng sự vật và hiện tượng cụ thể, để mà phân tách sự chuyển hóa của các mặt đối lập. Vì không phải quá trình đấu tranh, của các mặt đối lập của sự vật và hiện tượng nào cũng giống nhau.

Sự chuyển hóa của các mặt đối lập:

Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin thì sự chuyển hóa của các mặt đối lập nó có thể diễn ra theo hai dạng:

  • Thứ nhất: Chúng có thể chuyển hóa lẫn nhau.
  • Thứ hai: Khi cả hai chuyển hóa thành chất mới, thì khi đó mâu thuẫn được giải quyết.

Đấu tranh của các mặt đối lập là một quá trình rất phức tạp:

  • Quá trình này có thể được chia thành nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn. Với mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn thì chúng lại có những đặc điểm riêng. 
  • Khi mới xuất hiện mâu thuẫn thường biểu hiện bởi sự khác nhau của hai mặt, tuy nhiên chúng ta phải thuận trọng không phải hai mặt khác nhau nào cũng trở thành mâu thuẫn.
  • Ví dụ: Một người đen và một người trắng, người cao và người thấp, mập và ốm,… đó là sự khác nhau, nhưng sự khác nhau này không dẫn đến sự mâu thuẫn. Do đó, ở đây ta nói khi mâu thuẫn mới xuất hiện thường biểu hiện ở sự khác nhau. Song không phải bất kỳ sự khác nhau nào của các mặt  cũng là mâu thuẫn. 
  • Vậy sự khác nhau nào mới là mâu thuẫn? Chỉ có sự khác nhau nào có mối liên hệ hữu cơ với nhau, nhưng nó phải nằm trong một chỉnh thể và có xu hướng phát triển ngược chiều nhau, thì như vậy mới hình thành bước đầu của mâu thuẫn. Và trong quá trình phát triển, thì sự khác nhau đó nó biến thành mâu thuẫn.
  • Khi hai mặt đối lập của mâu thuẫn nó xung đột với nhau gay gắt, và đến khi nào có điều kiện chín muồi thì hai mặt đối lập đó nó chuyển hóa cho nhau(mâu thuẫn được giải quyết).
  • Lúc này sự thống nhất của hai mặt đối lập của mất đi, để hình thành sự thống nhất của hai mặt đối lập mới. Hai mặt đối lập mới ấy lại thống nhất với nhau, nó lại đấu tranh với nhau. Và đến khi có điều kiện chín muồi, thì hai mặt đối lập ấy lại chuyển hóa cho nhau. Mâu thuẫn được giải quyết, sự vật ấy mất đi và sự vật mới ra đời. 

⇒ Thưa các bạn, đến đây thì chúng ta có thể hình dung rằng chính sự đấu tranh của các mặt đối lập là nguồn gốc, là động lực bên trong của sự vận động và phát triển mà chúng ta đã nói lúc đầu. Và trên đây, chính là nội dung cơ bản nhất của quy luật mâu thuẫn.

Ý nghĩa phương pháp luận của quy luật:

Tôn trọng mâu thuẫn, phát hiện ra mâu thuẫn và phân tích mâu thuẫn.

  • Vì mâu thuẫn nó tồn tại khách quan, tồn tại phổ biến và đặc biệt nó có nguồn gốc động lực của sự vận động và phát triển.  Chính vì lẽ đó mà trong nhận thức, cũng như trong hoạt động thực tiễn thì chúng ta cần phải làm gì? Chúng ta phải tôn trọng mâu thuẫn, phát hiện ra mâu thuẫn và phân tích mâu thuẫn có như vậy, thì sự vật và hiện tượng mới phát triển.
  • Chứ chúng ta tuyệt nhiên tránh né nhìn nhận mâu thuẫn, thì điều đó có nghĩa là sự vật và hiện tượng nó không thể phát triển được. Mà để cho sự vật và hiện tượng phát triển được thì chúng ta phải tôn trọng mâu thuẫn, phân tích mâu thuẫn và tìm cách giải quyết mâu thuẫn.
  • Khi mâu thuẫn được giải quyết thì sự vật nó phát triển, và sự vật phát triển nó sẽ nảy sinh ra mâu thuẫn khác. Khi đó, ta sẽ lại tìm cách giải quyết mâu thuẫn. Và cứ như vậy, sự vật và hiện tượng không ngừng vận động và phát triển.
  • Thưa các bạn, sở dĩ mà loài người phát triển được, là nhờ các thế hệ loài người(từ trước đến nay) không ngừng giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong từng giai đoạn lịch sử; Và nền sản xuất nói chung của nhân loại không ngừng vận động và phát triển, là do loài người không ngừng giải quyết nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế; Nhận thức của chúng ta không thể phát triển, nếu chúng ta không thừa nhận những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình nhận thức. Chúng ta phát hiện ra chúng mà chúng ta không phân tích chúng, chúng ta không tìm cách giải quyết chúng thì nhận thức của mỗi con người nói riêng và của cả nhân loại nói riêng không thể phát triển được.

Cần có quan điểm lịch sử cụ thể:

  • Như đã chỉ ra ở trên, thì mâu thuẫn có tính đa dạng và tính phong phú. Chính vì vậy, mà trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn thì chúng ta cần có quan điểm lịch sử cụ thể(Quan điểm lịch sử cụ thể là một trong những quan điểm rất quan trọng, được rút ra từ việc nghiên cứu nguyên lý về sự liên hệ phổ biến của phép biện chứng duy vật).
  • Với quan điểm này, yêu cầu chúng ta phải biết phân tích cụ thể từng loại mâu thuẫn và có phương pháp giải quyết từng loại mâu thuẫn. Hay nói cách khác mỗi mâu thuẫn khác nhau, phải được giải quyết bằng phương pháp khác nhau. Không thể giải quyết nhiều mâu thuẫn khác nhau, theo một phương pháp và cách thức giống nhau được. Chẳng hạn, việc giải quyết hai mâu thuẫn đối kháng và không đối kháng thì hoàn toàn khác nhau về cách thức và về phương pháp. 
  • Cùng với đó, chúng ta cần phân biệt đúng vị trí, vai trò của từng loại mâu thuẫn trong từng điều kiện lịch sử nhất định. Hay nói ngược lại, trong từng điều kiện lịch sử nhất định, thì chúng ta phải phân biệt đúng vị trí, vai trò của từng loại mâu thuẫn như: Trong điều kiện hoàn cảnh A thì vị trí và vai trò của mâu thuẫn C là như thế này; Nhưng cũng là mâu thuẫn C nhưng trong điều kiện hoàn cảnh B, thì mâu thuẫn C nó có vị trí và vai trò như thế kia.

Tôn trọng nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn:

  • Đó là sự đấu tranh của các mặt đối lập.

Kết luận:

Theo Logic của ba kết luận trên chúng ta hiểu rằng:

  • Mâu thuẫn nó tồn tại khách quan, phổ biến. Do đó, muốn cho sự vật và hiện tượng vận động và phát triển thì chúng ta phải tìm cách giải quyết mâu thuẫn. 
  • Phải có quan điểm lịch sử cụ thể, trong quá trình giải quyết mâu thuẫn. Nghĩa là mỗi sự vật và hiện tượng khác nhau, phải được giải quyết theo cách thức khác nhau.

Phần 4: Quy luật phủ định của phủ định

Thưa các bạn, nếu như quy luật những chuyển hóa về lượng dẫn đến chuyển hóa về chất và ngược lại thì nó đã chỉ ra cách thức phát triển của sự vật và hiện tượng. Quy luật mâu thuẫn nó chỉ ra nguồn gốc, động lực của sự vận động và phát triển. Thì quy luật phủ định của phủ định nó chỉ ra hướng phát triển của thế giới, đó là gì? Đó là sự phát triển thông qua sự chuyển hóa lẫn nhau, cái mới ra đời thay thế cho cái cũ và theo đường xoắn ốc đi lên. Nói một cách đơn giản thì quy luật phủ định của phủ định, nó phản ánh khuynh hướng phát triển của thế giới. Chúng ta đi vào tìm hiểu sâu hơn về quy luật này:

Khái niệm phủ định và phủ định biện chứng:

Khái niệm phủ định:

  • Bất kể sự vật và hiện tượng nào trong thế giới thì nó đều trải qua quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong. Sự vật cũ mất đi, được thay thế bằng sự vật và hiện tượng mới. Và sự thay thế như vậy được gọi là phủ định.
  • Ta có thể hình dung phủ định là sự thay thế của sự vật và hiện này, bằng sự vật và hiện tượng khác trong quá trình vận động và phát triển. Thế nhưng không phải phủ định nào cũng là phủ định biện chứng.
  • Ví dụ, trường hợp sau không phải là phủ định biện chứng: Một sự vật mới ra đời, nó thay thế sự vật cũ nhưng nó hầu như lập lại hoàn toàn sự vật cũ ⇒ Cái phủ định như vậy không phải là phủ định biện chứng. Và một sự vật mới ra đời nó phủ định sự vật cũ, nhưng nó xóa bỏ hoàn toàn sự vật củ, nó chấm dứt hoàn toàn những điều liên quan đến sự vận động và phát triển của sự vật cũ ⇒ Sự phủ định như vậy cũng không được xem là phủ định biện chứng. Vậy phủ định biện chứng là gì? Chúng ta sang phần tiếp theo:

Khái niệm phủ định biện chứng:

Những phủ định mà nó làm tiền đề, điều kiện cho sự phát triển liên tục cho sự ra đời của cái mới thay thế cho cái cũ thì phủ định đó mới được xem là phủ định biện chứng. Từ đây, ta có thể khái quát như sau: Phủ định biện chứng là phạm trù dùng để chỉ sự phủ định tự thân, là mắc khâu(tức nối liền với sự vật và hiện tượng khác) trong quá trình dẫn tới sự ra đời của cái mới tiến bộ hơn so với cái cũ. Nếu nói như vậy, thì phép phủ định biện chứng có hai nội dung cơ bản sau:

  • Trước hết là tính khách quan: Nguồn gốc của sự phủ định biện chứng, là nó nằm bên trong sự vật và hiện tượng. Do sự đấu tranh của các mặt đối lập, như chúng ta đã nói ở trên. Sự phủ định này, được xem là sự phủ định tự thân. Và chính điều đó mà sự phủ định này, nó hoàn toàn không phụ thuộc vào ý muốn và ý chí của con người. Mà ở đây, con người chỉ có thể tác động làm cho quá trình ấy nhanh hay chậm(Trên cơ sở chúng ta nắm vững được những quy luật phát triển của chúng mà thôi). 
  • Tính kế thừa: Phép biện chứng duy vật nó có kết quả là cái mới ra đời trên cơ sở phủ định cái cũ, nhưng nó không xóa bỏ hoàn toàn cái cũ và cũng không xóa bỏ sạch trơn cái cũ. Mà nó chỉ xóa bỏ những yếu tố tiêu cực, lõi thời, không phù hợp với sự tồn tại và phát triển của nó mà thôi. Nhưng đồng thời nó bảo lưu, nó giữ lại nghĩa là nó kế thừa những yếu tố, những mặt tích cực của cái cũ. Để những mặt, những yếu tố tích cực đó trở thành những mặt, những yếu tố tích cực của bản thân cái mới. Hay nói cách khác, khi mà cái mới ra đời trên cơ sở phủ định cái cũ, nó kế thừa những yếu tố tích cực và loại bỏ những yếu tố tiêu cực. Nhưng có điều nó không giữ nguyên như cái cũ mà nó cải biến đi, cải tạo đi cho phù hợp với bản thân cái mới. 

⇒ Với đặc trưng như vậy, thì ta thấy phép biện chứng duy vật nó không chỉ dừng lại ở cái việc khắc phục cái cũ. Mà còn ở chỗ nó gắn liền giữa cái cũ và cái mới, giữa cái khẳng định và cái phủ định. Để nó trở thành mắc khâu, trong quá trình vận động và phát triển.

Phủ định của phủ định:

  • Khi các sự vật ra đời, nó tồn tại tức là nó tự khẳng định nó. Như vậy, vạn vật trong thế giới này đang tồn tại thì nó đang khẳng định nó. Nhưng trong quá trình vận động và phát triển của sự vật đó thì những nhân tố mới nó xuất hiện và thay thế cho những nhân tố cũ(bao giờ cũng vậy). Trong quá trình tồn tại của nó thì những nhân tố mới xuất hiện, nó thay thế cho những nhân tố cũ và khi đó thì sự phủ định biện chứng diễn ra. Khi ấy, sự vật đó không còn là nó nữa mà nó đã bị phủ định bởi một sự vật mới hơn, trong đó các yếu tố tích cực được giữ lại. Thế nhưng sự vật mới, nó sẽ bị phủ định bởi một sự vật mới khác và cái mới ấy dường như là chính cái sự vật đã tồn tại(nhưng nó không phải là sự trùng lặp hoàn toàn). Mà được bổ xung những nhân tố mới và bảo tồn những nhân tố tích cực, phù hợp với sự phát triển của nó mà thôi. Như vậy, logic ở đây là gì? Là sự vật nó ra đời(bất kỳ sự vật nào) thì nó khẳng định và trong khi nó khẳng định thì trong bản thân nó đã xuất hiện những nhân tố mới, để thay thế những nhân tố cũ và điều đó có nghĩa là phủ định biện chứng đã diễn ra. Khi đó, sự vật đó không còn là nó nữa mà nó được thay thế bằng một sự vật mới. Mà sự vật mới ra đời này nó bảo lưu những nhân tố tích cực(của sự vật lúc đầu). Rồi về sau, sự vật mới ấy nó lại được phủ định bằng một sự vật mới khác. Mà sự vật mới ấy dường như nó quay lại khẳng định lúc ban đầu, nhưng nó không hoàn toàn là sự vật lúc ban đầu nữa. Vì nó tiếp tục kế thừa những điều tích cực của sự vật cũ và được bổ xung bởi những nhân tố mới, những nhân tố tích cực để đảm bảo cho quá trình phát triển tiếp tục của nó.
  • Và như vậy, thông qua sự phủ định của phủ định tức hai lần phủ định thì sự vật nó đã thực hiện xong một chu kỳ(Tất nhiên nó không dừng lại ở đó mà nó sẽ thực hiện một chu kỳ mới tiếp theo). Và cứ như vậy, nó làm cho thế giới vật chất không ngừng vận động và phát triển. Thế nhưng, thưa các bạn để chứng minh cho quy luật phủ định của phủ định một cách dễ hiểu, thì Ăngghen nhà triết học vĩ đại của C.Mác ông đã đưa ra một ví dụ rất đơn giản về chu kỳ phát triển của hạt lúa: Hãy lấy một ví dụ về hạt thóc, có hàng nghìn và hàng triệu hạt thóc giống nhau được xoay ra và nấu chín rồi đem làm rượu và dùng đi. Nhưng nếu có một hạt thóc như thế, gập những điều kiện bình thường với nó, nếu nó rơi vào một miếng đất thích hợp và nhờ vào ánh sáng, độ ẩm,…thì trong mình nó sẽ nảy ra một sự biến hóa riêng là nó nảy mầm. Hạt thóc biến đi không còn là hạt thóc nữa, nó được thay thế bằng cây do nó đẻ ra. Ăngghen kết luận đây là sự phủ định của hạt thóc. Thế nhưng cuộc sống bình thường của cây lúa thế nào , Ăngghen viết tiếp: Nó lớn lên ra hoa, thụ phấn và cuối cùng sinh những hạt thóc mới. Khi hạt thóc chín thì cây lúa chết đi, bản thân cây lúa bị phủ định. Kết quả của sự phủ định này là chúng ta có nhiều hạt thóc hơn lúc ban đầu, nhưng không phải một hạt mà nhiều hơn gấp 10;20;30 lần (Mác-Ăngghen_toàn tập).
  • Ví dụ trên về chu kỳ của hạt thóc, thì nó qua hai lần phủ định. Và các bạn thấy nó dường như lập lại cái hạt thóc ban đầu, nhưng dường như ở trình độ cao hơn. Lần phủ định thứ nhất thì cây lúa phủ định hạt thóc, lần thứ hai thì hạt thóc phủ định cây lúa. Đến đây thì chúng ta đã biết phủ định của phủ định, nó đã thực hiện một chu kỳ trong quá trình vận động đã hoàn thành. Từ một điểm ban đầu, trải qua một số lần phủ định(trong trường hợp này là 2) thì sự vật dường như quay lại ban đầu nhưng ở trình độ cao hơn. Hạt thóc mới ra đời lập lại dường như hạt thóc cũ, cả về mặt chất lẫn mặt lượng nhưng hạt thóc mới ở trình độ cao hơn.
  • Thế thì sự phủ định biện chứng, nó thông qua những lần phủ định như chúng ta đã diễn giải ở trên. Thì nó là sự thống nhất giữa việc lọc bỏ, bảo tồn và bổ sung thêm những nhân tố tích cực. Chính vì vậy, mà thông qua những lần phủ định biện chứng thì sự vật nó ngày càng phát triển hơn.
  • Phủ định của phủ định thì nó xuất hiện sự vật mới với tư cách là nó tổng hợp những yếu tố tích cực của cái phủ định trước đó, và nó có nội dung phong phú hơn cái khẳng định ban đầu và cái khẳng định trong chu kỳ của sự phát triển.
  • Đặc trưng quan trọng nhất của quy luật phủ định của phủ định là sự phát triển dường như quay lại lúc đầu, nhưng trên cơ sở cao hơn. Điều ấy giải thích cái xu hướng tiến lên, theo hình xoắn ốc của sự phát triển. Và hình xoắn ốc của sự phát triển, nó đã thể hiện toàn bộ tính chất biện chứng của sự phát triển đó là tiến lên, kế thừa, lập lại và vô tận.

⇒ Tóm lại: Như vậy nội dung cơ bản nhất của quy luật phủ định của phủ định trong phép biện chứng duy vật, là nó phản ánh mối liên hệ bản chất giữa cái phủ định và cái khẳng định trong quá trình phát triển của sự vật. Tức nó phản ánh mối liên hệ giữa cái khẳng định và cái phủ định trong quá trình phát triển của sự vật. Phủ định biện chứng nó còn là điều kiện cho sự phát triển của cái mới ra đời, là kết quả của sự kế thừa những nội dung tích cực trong sự vật cũ và phát huy trong sự vật mới để nó tạo nên một chu kỳ mới của sự vật. 

Ý nghĩa phương pháp luận:

Xu hướng của sự phát triển:

  • Quy luật phủ định của phủ định đã giúp chúng ta hiểu được xu hướng của sự phát triển, đó là quá trình diễn ra không theo đường thẳng tắp mà là quanh co và phức tạp. Bao gồm nhiều giai đoạn và nhiều quá trình khác nhau. Phát triển là khuynh hướng chung, tất yếu của sự vận động và phát triển. Như vậy chúng ta hiểu rằng cái quy luật phủ định của phủ định mà chúng ta vừa nghiên cứu, thì mang đến cho chúng ta sự hiểu biết đúng đắn về sự phát triển của thế giới.
  • Thế nào là hiểu đúng đắn về sự phát triển của thế giới? Là sự phát triển không diễn ra theo chiều thẳng đứng, mà là con đường quanh co và phức tạp. Bao gồm nhiều giai đoạn và nhiều quá trình khác nhau, thế nhưng xu hướng chung , khuynh hướng tất yếu vẫn là sự vận động phát triển đi lên.
  • Qua đó, ta thấy được sự phát triển của thế giới là tất yếu. Nhưng nó không diễn ra một cách thuận lợi, mà rất phức tạp, có thể tan vỡ và thụt lùi. Vì vậy, đứng trước thất bại và đứng trước sự vấp ngã của bản thân, của gia đình, của xã hội,…thì chúng ta không nên giao động. Mà phải tin tưởng rằng cái khuynh hướng phát triển vẫn là khuynh hướng chủ đạo, là khuynh hướng chung. 

Hiểu biết về cái mới:

  • Quy luật phủ định của phủ định đã mang đến cho chúng ta sự hiểu biết khoa học về cái mới, cái mới ra đời là hợp quy luật và là cái tất thắng. Tuy nhiên, lúc mới nảy sinh trong một thời gian nào đó cái mới nhỏ bé và còn yếu ớt.  Bởi vậy, với một quan điểm đúng đắn về sự phát triển thì chúng ta cần ủng hộ cái mới, bảo vệ cái mới và nuôi dưỡng cái mới. Để cái mới nhanh chóng khẳng định vị trí của nó trong hiện thực.
  • Chúng ta cần hiểu rằng, quy luật phủ định của phủ định đã mang đến cho chúng ta hiểu biết đúng đắn khoa học về cái mới. Hiểu như thế nào? Sau quá trình phủ định của phủ định thì cái mới ra đời, đó là điều tất yếu khách quan và hợp quy luật. Nếu đã là tất yếu và khách quan, thì không có một thế lực nào có thể gây khó khăn cho sự ra đời của cái mới. 
  • Nhưng mà bất kỳ một cái mới nào, khi nó mới nảy sinh thì nó thường xuất hiện ở cái đơn nhất. Do đó, mà cái mới còn mỏng manh và yếu ớt. Vì trong cái mới đó tuy cái cũ đã mất đi nhưng chưa mất đi hẳn. Mà thậm chí là còn tỏ ra đồ sộ to lớn, và luôn luôn tìm mọi cách xô đẩy và xóa bỏ cái mới.

⇒ Do đó, với một thái độ chân thành về cái mới thì chúng ta cần ủng hộ cái mới, nuôi dưỡng cái mới và bảo vệ cái mới để cái mới nhanh chóng khẳng định vị trí của nó trong hiện thực(cái mới ở đây có thể hiểu là một tư tưởng mới, một cách kinh doanh mới, một lối sống mới, một thói quen mới, một chế độ mới,…).

Tôn trọng tính kế thừa có phê phán:

  • Quan điểm biện chứng về sự phát triển đòi hỏi chúng ta trong quá trình phủ định, thì đòi hỏi chúng ta phải tôn trong nguyên tắc kế thừa. Nhưng phải là kế thừa có phê phán, tức là phải bỏ đi những cái lỗi thời và lạc hậu. Nhưng đồng thời phải biết tôn trọng, giữ gìn, bảo lưu những yếu tố tích cực và phù hợp với hiện thực. Và cải tạo lại những yếu tố tích cực(nếu cần), cho phù hợp với thực tiễn.
  • Và đặc biệt trong quá trình hoạt động xã hội, chúng ta phải tôn trọng nguyên tắc kế thừa có phê phán. Nghĩa là chúng ta phải biết phủ định những yếu tố tiêu cực, lõi thời. Nhưng đồng thời chúng ta phải biết trân trọng, bảo vệ, giữ gìn và kế thừa những yếu tố tích cực hợp lý. Để đưa cái tích cực hợp lý đó vào bản thân cái mới, và cùng với cái mới tiếp tục vận động và phát triển.

Phần 5: Đọc và tải bài viết “3 Quy Luật Cơ Bản Của Phép Biện Chứng Duy Vật” thông qua PDF

Bạn có thể đọc bài viết “3 Quy Luật Cơ Bản Của Phép Biện Chứng Duy Vật” thông qua hình thức PDF với bố cục rõ hơn:

Bạn có thể tải PDF bài viết “3 Quy Luật Cơ Bản Của Phép Biện Chứng Duy Vật”:

TẠI ĐÂY!

Phần 6: Lời kết

Cảm ơn các bạn đã đi đến bài viết “3 Quy Luật Cơ Bản Của Phép Biện Chứng Duy Vật”, tiếp trong chuỗi hệ thống bài viết về Chủ nghĩa Mác-Lên đó là “Lý luận nhận thức của phép biện chứng duy vật”.

Mỗi bài viết trong chuỗi các bài viết về Chủ nghĩa Mác-Lênin đều được mình cô động nhất có thể, nhưng vẫn giữ được đầy đủ nội dung vốn có của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Qua đó, với mong muốn sẽ giúp bạn không mất quá nhiều thời gian nhưng vẫn trang bị cho mình hệ thống kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lênin một cách đầy đủ nhất.

ChowChow Education xin mời các bạn tiếp tục theo dõi những bài viết tiếp theo của mình, xin cảm ơn và hẹn gập lại các bạn ở những nội dung tiếp theo!

Hãy để lại nhận xét của bạn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Website Giáo Dục
Logo
Enable registration in settings - general
Compare items
  • Total (0)
Compare
0
Shopping cart