Triết Học Mác-Lênin – Phép Biện Chứng Duy Vật (Phần 2): 6 Cặp Phạm Trù Cơ Bản

NỘI DUNG BÀI VIẾT

6 Cặp Phạm Trù Cơ Bản Trong Triết Học Mác-Lênin

Như ta đã biết, phép biện chứng duy vật gồm hai nguyên lý, sáu cặp phạm trù và ba quy luật. Trước khi đi vào nội dung các cặp phạm trù, ta sẽ tìm hiểu đến một số vấn đề liên quan đến phạm trù như sau:

Phần 1: Một số vấn đề chung về phạm trù:

Định nghĩa phạm trù và phạm trù triết học:

  • Bao giờ cũng vậy, để mà trao đổi tư tưởng cho nhau thì người ta trao đổi các ký hiệu nhất định. Nếu không có khái niệm thì người ta không thể trao đổi cho nhau được, dẫn đến người ta không thể hiểu biết nhau được. Chẳng hạn những khái niệm về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc, gia đình, giai cấp, dân tộc, kinh tế, kinh tế thị trường, hàng hóa, giá cả,… Nếu không có khái niệm ấy, thì người ta không thể hiểu biết nhau được. Họ không biết là chúng ta đang nói cái gì? Người kia nói cái gì? Vậy câu hỏi đặt ra là như thế nào là khái niệm? Người ta sử dụng khái niệm cho nhau, vậy khái niệm là gì? 
  • Định nghĩa về khái niệm: Khái niệm là hình thức của tư duy phản ánh những mặt, những thuộc tính cơ bản của một lớp các sự vật và hiện tượng nhất định của hiện thực khách quan. Và tùy theo mức độ khái quát, mà khái niệm có các thao tác mở rộng hay thu hẹp. Và khái niệm mở rộng nhất, thì ta gọi đó là phạm trù.
  • Vậy phạm trù là gì? Phạm trù là những khái niệm rộng nhất, phản ánh những thuộc tính, những mặt, những mối quan hệ chung cơ bản nhất của các sự vật và hiện tượng trong một lĩnh vực nhất định
  • Chúng ta biết rằng, khoa học nào cũng có phạm trù và mỗi một môn khoa học thì nó đều có những phạm trù, hệ thống phạm trù riêng của nó. Chẳng hạn như trong toán học có phạm trù số hình, mặt phẳng, hàm số,… Trong vật lý thì có năng lượng, khối lượng,… Trong kinh tế học thì có hàng hóa, giá trị, giá cả,… Thế nhưng bản thân các phạm trù của các khoa học chuyên ngành mà chúng ta vừa nêu trên, nó chỉ phản ánh những mặt, những mối liên hệ cơ bản và phổ biến thuộc phạm vi khoa học mà nó nghiên cứu mà thôi. Trong khi đó, phạm trù của phép biện chứng duy vật là những khái niệm chung nhất, nó phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ cơ bản và phổ biến nhất. Phạm trù của phép biện chứng duy vật không chỉ là của một lĩnh vực nhất định mà là của toàn bộ thế giới hiện thực, bao gồm cả trong tự nhiên, xã hội và tư duy. 
  • Như vậy, chúng ta có thể hiểu những phạm trù của các khoa học chuyên ngành mà chúng ta vừa nêu trên thì nó chỉ phản ánh những mặt, những mối liên hệ cơ bản và phổ biến của phạm vi mà khoa học đó nghiên cứu mà thôi. Trong khi đó phạm trù của phép biện chứng duy vật thì nó lại phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ phổ biến nhất. Nó không chỉ trong một lĩnh vực hiện thực nào đó, mà là của toàn bộ cả thế giới hiện thực bao gồm tự nhiên, xã hội và tư duy. Chẳng hạn như các phạm trù về vật chất, ý thức, mâu thuẫn, chất và lượng,..mà chúng ta đã và sẽ nghiên cứu. 
  • Sau khi chúng ta đã hiểu phạm trù là gì? Thì câu hỏi tiếp tục được đặt ra là, Bản chất của phạm trù là gì? Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta sang phần tiếp theo:

Bản chất của phạm trù:

  • Bản thân phạm trù thì nó được hình thành, trong quá trình nhận thức và trong hoạt động nhận thức của con người. Nội dung này nói lên, phạm trù không có sẵn trong nhận thức của con người nhưng đồng thời nó cũng không tồn tại bên ngoài và độc lập với ý thức của con người.
  • Nội dung của phạm trù thì nó bao giờ cũng khách quan, bị thế giới khách quan nó quy định. Tại sao vậy? Bởi vì phạm trù nó được hình thành bằng con đường trừu tượng hóa, khái quát hóa. Trừu tượng hóa và khái quát hóa là gì? Là những thuộc tính, những mối liên hệ vốn có bên trong bản thân của sự vật và hiện tượng. Chính vì lẽ đó, mà nội dung của nó là khách quan và do thế giới khách quan quy định.
  • Bản thân các phạm trù luôn luôn vận động và phát triển, vì vậy phạm trù nó không phải là một hệ thống đóng, hệ thống kín mà nó là một hệ thống mở và luôn luôn được bổ sung bằng những phạm trù mới. Sở dĩ như vậy, là vì phạm trù là kết quả của nhận thức con người. Nó là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, mà thế giới khách quan luôn luôn vận động và phát triển. Nên phạm trù không phải là một hệ thống đóng, hệ thống kín mà là một hệ thống mở là như vậy. Đã là phạm trù mở, thì nó luôn luôn nhận được những bổ sung thành phạm trù mới. 
  • Như đã nói ở trên, thì chúng ta đã nghiên cứu một số phạm trù như: vật chất, ý thức, phản ánh,…Và ở chương này chúng ta sẽ tìm hiểu một số phạm trù khác như cái chung và cái riêng, nguyên nhân và kết quả, tất nhiên và ngẫu nhiên, nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng, khả năng và hiện thực. Và chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu từng cặp phạm trù nhé các bạn…

Phần 2: Cái riêng và cái chung:

Phạm trù cái chung và cái riêng:

Để hiểu như thế nào là cái chung, như thế nào là cái riêng thì các bạn hình dung như thế này:

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta thì chúng ta thường xuyên tiếp xúc với các sự vật và hiện tượng với các quá trình khác nhau. Chẳng hạn một công cụ cụ thể nào đó, một đường phố cụ thể, một con người cụ thể, một dòng sông cụ thể,…mọi cái cụ thể vừa nêu được gọi là cái riêng. Nhưng mà chúng ta lại thống nhất giữa những cái sự vật và hiện tượng cụ thể ấy, nó lại có những điều giống nhau. Như đa số loài cây nào cũng có lá, rễ, quá trình trao đổi chất giữa cơ thể sống với môi trường. Hay con cá nào cũng sống dưới nước, cũng thở bằng mang và cũng bơi bằng vây,…điều đó gọi là cái chung. Vậy từ đó ta đi đến kết luận:

  • Cái riêng là phạm trù triết học, dùng để chỉ sự vật và hiện tượng hay một quá trình nhất định như: một con người, một đất nước,…
  • Cái chung cũng là một phạm trù triết học dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính phổ biến trong nhiều sự vật và hiện tượng(Nói cách khác thì cái chung là một phạm trù triết học dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính, những yếu tố không chỉ có ở một sự vật và hiện tượng nhất định mà còn được lập đi, lập lại trong nhiều sự vật và hiện tượng riêng lẻ khác).

Sau khi tìm hiểu về cái chung, cái riêng mà đặc biệt là cái chung, thì chúng ta cần phân biệt giữa cái riêng và cái đơn nhất. Cái đơn nhất là một phạm trù triết học dùng để chỉ những mặt, những nét chỉ có ở một sự vật và hiện tượng hoặc kết cấu vật chất mà không bị lập lại ở bất kỳ một sự vật và hiện tượng hay một kết cấu vật chất nào(Cái đơn nhất là cái duy nhất trong thực tế không có cái thứ hai). Ví dụ như Thủ đô Hà Nội của chúng ta bên cạnh những đặc điểm chung giống những thành phố khác của cả nước, thì Thủ đô Hà Nội có những điểm riêng như hồ Hoàn Kiếm, 36 phố cổ,… Vậy hồ Hoàn Kiếm, 36 phố cổ được xem là cái đơn nhất của thủ đô Hà Nội.

⇒ Từ việc hiểu cái chung, cái riêng và cái đơn nhất chúng ta chuyển sang phần tiếp theo:

Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng và thông qua cái riêng thì nó biểu hiện sự tồn tại của mình.

  • Nếu nói như vậy thì chúng ta phải khẳng định, mọi cái chung đều tồn tại. Nhưng nó tồn tại bên ngoài cái riêng chứ không tồn tại bên cạnh cái riêng, bên trên cái riêng mà tồn tại trong những cái riêng. Và thông qua cái riêng, để nó thể hiện sự tồn tại của nó. 
  • Chẳng hạn, cái chung của loài cá là sống dưới nước và thở bằng mang, bơi bằng vây. Cái chung này nó không tồn tại bên ngoài những con cá, mà nó tồn tại bên trong mỗi con cá cụ thể. Cũng như vậy, cái chung của loài cây là có lá, rễ và quá trình trao đổi chất của cơ thể sống với môi trường tự nhiên. Thế những cái chung này không tồn tại bên ngoài loài cây, mà nó tồn tại trong những loài cây cụ thể như: măng cụt, sầu riêng, mãng cầu,…
  • Cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ với cái chung. Điều đó có nghĩa là không có cái riêng nào tồn tại một cách tuyệt đối độc lập, không liên hệ gì với cái chung. Và trên thế giới không có cái riêng nào tồn tại một cách độc lập, không liên hệ gì với cái chung. Chẳng hạn một con người là một cái riêng, nhưng mọi người đều không thể tồn tại ngoài mối liên hệ với tự nhiên, xã hội và tư duy. Và không một con người nào, mà không chịu các quy luật sinh học và các quy luật xã hội đấy là cái chung của mỗi người.

Cái riêng là cái toàn bộ, nên nó phong phú hơn cái chung. Còn cái chung là cái bộ phận, nhưng nó lại sâu sắc hơn cái riêng:

  • Cái riêng nó phong phú hơn cái chung là vì: Ngoài đặc điểm chung thì cái riêng nó còn cái đơn nhất, và mọi cái riêng nó đều như vậy thì nó tạo nên sự đa dạng phong phú của cái riêng. Chúng ta quay lại ví dụ trước: Thủ đô Hà Nội ngoài những đặc điểm chung, giống như những thành phố khác của nước ta là đều có mối liên hệ mật thiết với làng xã và thôn quê. Nhưng thủ đô Hà Nội có 36 phố phường, có hồ Hoàn Kiếm chính những cái đơn nhất này đã tạo nên tính đa dạng và phong phú của Hà Nội nói riêng và cả mọi cái riêng nói chung.
  • Trong khi đó, cái chung nó lại sâu sắc hơn cái riêng: Bởi lẽ cái chung nó phản ánh những thuộc tính, những mối liên hệ ổn định và tất nhiên chính vì vậy mà cái chung nó gắn liền với bản chất của mọi cái riêng. Nhưng đồng thời, nó cũng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của cái riêng. Do đó, mà cái chung nó sâu sắc hơn cái riêng là như vậy.

Trong những điều kiện xác định thì cái đơn nhất và cái chung có thể chuyển hóa cho nhau:

  • Lưu ý: Là cái đơn nhất chứ không phải cái riêng.
  • Cái riêng không thể chuyển hóa thành cái chung được, mà ở đây ta nói cái đơn nhất và cái chung có thể chuyển hóa cho nhau. Sở dĩ như vậy là vì: Trong hiện thực thì cái mới bao giờ nó cũng xuất hiện dưới dạng cái đơn nhất(Tức là khi nó mới xuất hiện thì nó chưa đầy đủ ngay, mà theo quy luật cái mới nó sẽ hoàn thiện dần và nó sẽ thay thế cái cũ. Từ đó nó sẽ trở thành cái chung và cái phổ biến. Thế nhưng về sau thì nó không còn phù hợp nữa và nó mất đi, và nó sẽ trở thành cái đơn nhất). 
  • Như vậy chúng ta biết là sự chuyển hóa từ cái đơn nhất thành cái chung, đấy là biểu hiện của quá trình cái mới ra đời thay thế cho cái cũ. Cái cũ lỗi thời bị phủ định.

⇒ Trên đây là những nội dung đề cập đến những quan hệ biện chứng giữa cái chung, cái riêng và cái đơn nhất. Chúng ta sẽ cùng nhau chuyển qua phần tiếp theo:

Ý nghĩa phương pháp luận của phạm trù cái chung và cái riêng:

Thưa các bạn, từ việc nghiên cứu cặp phạm trù cái chung và cái riêng thì chúng ta rút ra những bài học có ý nghĩa về mặt phương pháp luận sau đây:

Vì cái chung nó tồn tại trong cái riêng, và thông qua cái riêng để nó thể hiện sự tồn tại của nó.

  • Chính vì vậy, mà chúng ta chỉ có thể tìm ra cái chung trong cái riêng. Phải xuất phát từ cái riêng, từ những sự vật và hiện tượng riêng lẻ để mà tìm ra cái chung. 
  • Việc tìm ra cái chung không xuất phát, từ ý muốn chủ quan của con người. Như các bạn đã thấy trong khoa học, trong nhận thức thông thường thì bao giờ chúng ta cũng đi tới từ cái riêng để tìm ra cái chung. 
  • Vậy cái chung trong đời sống học tập của sinh viên là gì? Cái chung trong truyền thống người Việt Nam là gì? Cái chung trong các hoạt động nghiên cứu khoa học là gì?…Để tìm ra cái chung để trả lời cho những câu hỏi trên thì chúng ta phải đi nghiên cứu từng sự vật cụ thể(hay nói cách khác là đi từ cái riêng để tìm ra cái chung). Tại sao vậy? Vì cái chung nó tồn tại trong cái riêng và nó thông qua mọi cái riêng.

Vì cái chúng nó sâu sắc, nó là cái bản chất chi phối cái riêng:

  • Chúng ta cần cần nhận thức được cái chung, để vận dụng vào cái riêng. Phải dựa vào cái chung, để cải tạo cái riêng. Do đó, trong hoạt động thực tiễn nếu như chúng ta không hiểu biết những nguyên lý, lý luận chung thì chúng ta sẽ rơi vào tình trạng mò mẫm và mù quáng. 
  • Chẳng hạn trong hoạt động kinh tế đặc biệt là kinh tế thị trường, mà chúng ta thiếu hiểu biết về các quy luật kinh tế. Các quy luật kinh tế nói chung và các quy luật kinh tế thị trường nói riêng, thì chắc chắn hoạt động kinh tế sẽ thất bại. Cũng như vậy, trong quá trình phát triển và xây dựng đất nước mình theo định hướng Chủ nghĩa xã hội mà chúng ta thiếu hiểu biết về chủ nghĩa Mác-Lênin. Thì quá trình xây dựng và phát triển đất nước chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là đi đến thất bại và tan vỡ.

Cái chung nó biểu hiện thông qua cái riêng:

  • Chính vì vậy khi áp dụng cái chung vào cái riêng thì chúng ta phải tùy theo cái riêng cụ thể, để vận dụng cho phù hợp với cái riêng. Như vậy, chúng ta hiểu là nó liên quan đến kết luận thứ hai là nếu muốn hiểu cái riêng một cách sâu sắc, một cách đầy đủ thì cần sự hiểu biết về cái chung hay khi muốn hiểu biết được cái riêng thì cần dựa vào cái chung.
  • Nhưng ở kết luận ba này, chúng ta lại nói rằng cái chung lại biểu hiện thông qua cái riêng. Chính vì vậy, mà khi ta vận dụng cái chung vào cái riêng thì ta phải cụ thể hóa cho phù hợp với từng trường hợp riêng.
  • Ví dụ: Chúng ta mang chủ nghĩa Mác-Lênin vào xây dựng và phát triển đất nước, thì chúng ta phải áp dụng chủ nghĩa Mác-Lênin cho phù hợp với hoàn cảnh về lịch sử, về văn hóa, về con người và về trình độ kinh tế xã hội chủ nghĩa. Cũng như vậy, khi áp dụng lý thuyết kinh tế thị trường vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế ở Việt Nam thì cần sự phù hợp với điều kiện kinh tế và theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trong hoạt động thực tiễn cần tạo điều kiện thuận lợi để cho cái đơn nhất chuyển hóa thành cái chung và để cái chung bất lợi chuyển thành cái đơn nhất và biến mất trong cuộc sống:

  • Như đã nói ở trên giữa cái chung và cái đơn nhất có thể chuyển hóa cho nhau. Vậy trong hoạt động thực tiễn của mình, trong cuộc sống của mình thì con người phải tạo điều kiện thuận lợi để cho những cái đơn nhất có lợi nó chuyển hóa thành cái chung, cái phổ biến. Và để cho cái chung, cái phổi biến bất lợi và lỗi thời, lạc hậu chuyển hóa thành cái đơn nhất và biến mất trong cuộc sống. 
  • Thế nhưng, chúng ta nói phải tạo điều kiện thuận lợi thì chúng ta nên hiểu điều kiện ở đây là điều kiện về cái gì? Đó là điều kiện về vật chất, kinh tế, thời gian, pháp lý, dư luận, cơ chế,…

Phần 3: Nguyên nhân và kết quả:

Phạm trù nguyên nhân và phạm trù kết quả:

Phạm trù nguyên nhân:

  • Nguyên nhân là phạm trù dùng để chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong cùng một sự vật và hiện tượng hoặc giữa các sự vật và hiện tượng với nhau, để từ đó mà gây ra những biến đổi nhất định. 
  • Như vậy, chúng ta hình dung phạm trù nguyên nhân là sự tác động hay có thể là tương tác giữ cái gì? Giữa các mặt trong cùng một sự vật hiện tượng, hay giữa sự vật này với sự vật kia để tạo ra một sự biến đổi nhất định nào đó.

Phạm trù kết quả:

  • Kết quả là phạm trù dùng để chỉ những biến đổi xuất hiện, do sự tác động của các mặt trong cùng sự vật hoặc giữa các sự vật hiện tượng với nhau. 
  • Như vậy, chúng ta hiểu kết quả là dùng để chỉ tính biến đổi xuất hiện. Vậy do đâu mà nó biến đổi? Là do sự tác động của các mặt trong cùng một sự vật và hiện tượng, hoặc giữa các sự vật hiện tượng với nhau. 
  • Ví dụ: Sự tác động của dòng điện với dây dẫn là nguyên nhân làm bóng đèn phát sáng(Bóng đèn phát sáng là kết quả). Hay, sự đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản là nguyên nhân và kết quả là dẫn đến cách mạng vô sản diễn ra.

Một số lưu ý:

  • Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt giữa nguyên nhân với nguyên cớ và nguyên nhân với điều kiện. Sự khác biệt là nguyên cớ không sinh ra kết quả, mặc dù nó ra đời chùng nguyên nhân và xuất hiện cùng với nguyên nhân. Ví dụ: Chất xúc tác chỉ là điều kiện để làm cho các chất hóa học có tác dụng với nhau, để tạo ra một phản ứng hóa học nào đó. Như vậy, chất xúc tác nó không phải là nguyên nhân mà nó chỉ là điều kiện, để nó tạo ra sự tác dụng giữa các nguyên tố hóa học với nhau để dẫn đến một phản ứng hóa học nào đó.
  • Chúng ta, không nên hiểu nguyên nhân và kết quả nằm ở hai sự vật khác nhau. Chẳng hạn như chúng ta cho rằng dòng điện là nguyên nhân của bóng đèn phát sáng, giai cấp vô sản là nguyên nhân của các mạng vô sản,…Nếu chúng ta hiểu như vậy thì hệ quả sẽ dẫn đến một sai lầm là nguyên nhân của một sự vật nào đó sẽ nằm bên ngoài sự vật hay hiện tượng đó. Và nếu như vậy sẽ tất yếu đi đến một sai lầm khác là nguyên nhân của thế giới vật chất nằm bên ngoài thế giới vật chất(tức là thế giới vật chất thuộc về thế giới tinh thần).

Quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả:

Trong quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả chúng ta ghi nhận ba nội dung sau:

Nguyên nhân là cái sản sinh ra kết quả:

  • Nguyên nhân sinh ra kết quả, nên nguyên nhân luôn luôn có trước kết quả. Còn kết quả bao giờ cũng xuất hiện, khi nguyên nhân đã xuất hiện và phát huy tác dụng của nó. 
  • Như vậy, ở đây ta hiểu nguyên nhân sản sinh ra kết quả, chính vì vậy nguyên nhân có trước kết quả. Nhưng chúng ta không nên hiểu cứ cái gì có trước, đến trước là nguyên nhân của cái đến sau và có sau. Vì tia chớp thì không phải là nguyên nhân của sấm sét; không phải ban đêm là nguyên nhân của ban ngày;…
  • Vậy thì dấu hiệu quan trọng nhất của mối liên hệ nhân quả không phải là dấu hiệu trước sau, mà là dấu hiệu sản sinh(nguyên nhân sản sinh ra kết quả). Nhưng nguyên nhân sản sinh ra kết quả như thế nào? Đây là một mối liên hệ rất phức tạp, mối liên hệ nhân quả này nó phụ thuộc vào những điều kiện hoàn cảnh khác nhau. 
  • Do đó, một nguyên nhân có thể sinh ra một kết quả hoặc nhiều kết quả. Và một kết quả có thể do một nguyên nhân, hay nhiều nguyên nhân gây nên. Vì một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra, do đó chúng ta cần đánh giá đúng vị trí, vai trò, tác dụng khác nhau của từng nguyên nhân đối với việc hình thành kết quả. Ví dụ: Chúng ta cần phải phân biệt được đâu là nguyên nhân trực tiếp và đâu là nguyên nhân gián tiếp, đâu là nguyên nhân bên trong, đâu là nguyên nhân bên ngoài, đâu là nguyên nhân chủ yếu, đâu là nguyên nhân thứ yếu,…

Sự tác động trở lại của kết quả với nguyên nhân:

  • Như chúng ta đã chỉ ra, kết quả là do nguyên nhân nó sinh ra. Nhưng khi kết quả xuất hiện thì nó không thụ động, mà nó tác động trở lại nguyên nhân. Theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực:Tích cực tức nó thúc đẩy sự hoạt động của nguyên nhân, tiêu cực thì nó cản trở sự hoạt động của nguyên nhân.
  • Ví dụ: Trình độ dân trí thấp là do nền kinh tế kém phát triển, và ít đầu tư cho giáo dục điều đó là thực tế. Nhưng dân trí thấp thì lại là nguyên nhân, là nhân tố không ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất vì thế mà nó kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhưng ngược lại với trình độ dân trí cao thì rõ ràng đó là kết quả của nền kinh tế phát triển và đầu tư cho giáo dục một cách đúng đắn. Mà dân trí cao nó lại tác động đến tích cực, đến kinh tế và giáo dục. Như vậy, chúng ta thấy kết quả ra đời nó không thụ động mà nó động tới nguyên nhân theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực là như vậy.

Nguyên nhân và kết quả có thể chuyển hóa cho nhau:

  • Một sự vật và hiện tượng nào đó trong mối liên hệ này là nguyên nhân, nhưng trong mối quan hệ khác là kết quả và ngược lại. Điều đó cho thấy không có nguyên nhân nào là đầu tiên, cũng không có kết quả nào là cuối cùng. Mà nó nằm trong chuỗi “Vô tận nhân quả, bất tận trong vũ trụ”.

Ý nghĩa phương pháp luận:

Mối liên hệ nhân quả là khách quan và phổ biến:

  • Không có sự vật và hiện tượng nào lại không có nguyên nhân, nhưng có một thực tế là không phải nguyên nhân nào cũng được tìm ra ngay. Chính vì vậy, nhiệm vụ của nhận thức nói chung và nhận thức khoa học nói riêng là phải đi phát hiện, đi tìm ra những nguyên nhân của các sự vật và hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy(nguyên nhân những sự vật và hiện tượng liên quan đến tự nhiên, xã hội, tư duy và con người để giải thích cho những hiện tượng đó).
  • Như vậy, có kết quả thì phải có nguyên nhân. Do đó, chúng ta phải đi truy tìm nguyên nhân của các sự vật và hiện tượng. Nhưng câu hỏi đặt ra là, tìm nguyên nhân ở đâu?
  • Theo phương pháp luận của phép biện chứng duy vật thì sự vật và hiện tượng có nguyên nhân tự nó, chính vì thế mà chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân. Vậy trong trường hợp này, chúng ta phải tìm hiểu những nguyên nhân trong chính thế giới hiện thực và trong chính bản thân các sự vật và hiện tượng đó. Chứ tuyệt nhiên, chúng ta không tưởng tượng các nguyên nhân trong đầu óc của con người và chúng ta không tách rời những nguyên nhân ra khỏi thế giới hiện thực được. Vì nếu như vậy, sẽ là một sai lầm.

⇒ Như đã nói ở trên vì nguyên nhân luôn luôn có trước kết quả, nên nếu muốn tìm nguyên nhân của một sự vật hay hiện tượng nào đó thì chúng ta cần tìm trong những sự kiện, trong những mối liên hệ được xảy ra trước những hiện tượng nó xuất hiện.

Tính phức tạp và đa dạng:

  • Mối liên hệ nhân quả nó không chỉ là khách quan, phổ biến mà nó còn rất phức tạp và rất đa dạng. Chính vì lẽ đó, mà ta cần phân loại nguyên nhân để đánh giá đúng vị trí, vai trò, tác dụng của từng nguyên nhân đối với việc hình thành kết quả. 
  • Nhưng đồng thời chúng ta phải nắm được chiều hướng tác động của các nguyên nhân, để từ đó chúng ta có biện pháp thích hợp. Nhằm tạo điều kiện cho nguyên nhân tác động tích cực đến hoạt động, và hạn chế sự hoạt động của các nguyên nhân tác động tiêu cực đến hoạt động của con người.

Kết quả tác động trở lại nguyên nhân:

  • Như ta nói ở trên kết quả do nguyên nhân sinh ra. Nhưng khi kết quả sinh ra rồi thì nó không thụ động, mà tác động trở lại nguyên nhân sinh ra nó. Chính vì vậy trong hoạt động thực tiễn của chúng ta, thì chúng ta phải biết khai thác tác dụng của những kết quả đã có để thúc đẩy sự vật phát triển.
  • Ví dụ: Sau hơn 20 năm đổi mới đất nước, thì chúng ta đã gặt hái được nhiều thành tựu rất to lớn. Liên quan đến những lĩnh vực về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Thế thì chúng ta phải biết tận dụng, lợi dụng kết quả hay thành quả ấy để tiếp tục thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. 
  • Cũng như vậy, đứng trước những thành tựu to lớn về khoa học kỹ thuật và công nghệ do nhân loại đã tạo nên. Thì chúng ta phải nhanh nhạy, khôn ngoan để tận dụng những thành tựu khoa học đó để mà phát triển khoa học kỹ thuật nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Phần 4: Tất nhiên và ngẫu nhiên:

Phạm trù tất nhiên và phạm trù ngẫu nhiên:

Phạm trù tất nhiên:

  • Phạm trù tất nhiên là phạm trù dùng để chỉ cái nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân bên trong kết cấu vật chất nó quyết định. 
  • Do đó, trong những điều kiện nhất định nó phải xảy ra đúng như vậy không thể khác được. Chính vì lẽ đó, mà nhất định nó phải xảy ra nếu không thể không xảy ra thì cái đó được xem là cái tất nhiên.

Phạm trù ngẫu nhiên:

  • Phạm trù ngẫu nhiên là phạm trù dùng để chỉ cái do nguyên nhân bên ngoài, do những ngẫu hợp của nhiều hoàn cảnh bên ngoài. 
  • Do đó, nó có thể xảy ra hoặc không thể xảy ra. Và thậm chí nó có thể xảy ra như thế này, hoặc xảy ra như thế kia. Như vậy, ta hiểu cái ngẫu nhiên là cái không do nội dung cơ bản và không do những nội dung bên trong nó quyết định. Mà ngẫu nhiên là do nguyên nhân bên ngoài, do ngẫu hợp của những cái hoàn cảnh bên ngoài mà nó gây ra. Chính vì lẽ đó, mà nó có thể xảy ra hoặc không thể xảy ra hoặc có thể xảy ra như thế này và cũng có thể nó xảy ra như thế kia. 
  • Ví dụ: Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông nối tiếp nhau trong một năm là cái tất nhiên, còn cái ngẫu nhiên là mùa đông năm nay có thể lạnh hơn hoặc ấm hơn mùa đông năm trước. Cũng như nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư đối với giai cấp công nhân là điều tất nhiên, còn ngẫu nhiên ở đây là nhà tư bản sản xuất cái gì? kinh doanh mặt hàng nào? miễn sao mang lại lợi nhuận cho nhà tư bản.

Quan hệ biện chứng giữa phạm trù tất nhiên và phạm trù ngẫu nhiên:

Cả phạm trù tất nhiên và ngẫu nhiên đều tồn tại khách quan và nó đều có vai trò nhất định đối với sự vận động và phát triển của sự vật:

  • Cả tất nhiên và ngẫu nhiên đều tồn tại khách quan, chứ không phải cái tất nhiên mới khách quan và cái ngẫu nhiên do con người tưởng tượng ra.
  • Bản thân ngẫu nhiên và tất nhiên đều có vai trò đối với sự vận động và phát triển của sự vật, chỉ có điều cái vai trò ấy không giống nhau. Không giống nhau ở chỗ, là trong đó cái tất nhiên nó đóng vai trò quyết định đến quá trình vận động và phát triển của sự vật. Còn ngẫu nhiên, nó chỉ ảnh hưởng đến quá trình vận động đó mà thôi. 

Phạm trù tất nhiên và ngẫu nhiên nó tồn tại trong sự thống nhất hữu cơ với nhau:

  • Sự thống nhất hữu cơ đó, thể hiện cái tất nhiên bao giờ cũng thể hiện sự tồn tại của mình thông qua vô số cái ngẫu nhiên. Thế còn bản thân của ngẫu nhiên, nó lại là hình thức biểu hiện của cái tất nhiên. 
  • Như vậy, ta hiểu các tất nhiên nó chỉ thể hiện khuynh hướng phát triển của nó, nhưng cái khuynh hướng ấy nó không tồn tại dưới dạng thuần túy biệt lập mà nó biểu hiện ra dưới dạng thuần túy ngẫu nhiên. Còn bản thân cái ngẫu nhiên mà chúng ta bắt gặp thì không có ngẫu nhiên nào là thuần túy, mà bao giờ bên trong cái ngẫu nhiên đều chứa đựng và che đậy cái yếu tố tất nhiên nào đó. Do đó, ta nói cái tất nhiên và ngẫu nhiên nó thống nhất hữu cơ với nhau là như vậy. 
  • Cái tất nhiên vạch đường đi cho mình thông qua cái ngẫu nhiên, còn cái ngẫu nhiên là hình thức biểu hiện của cái ngẫu nhiên. Bản thân cái tất nhiên thể hiện khuynh hướng phát triển của mình ra bên ngoài, nhưng không thể hiện dưới dạng thuần túy biệt lập mà nó biểu hiện ra dưới dạng hình thức ngẫu nhiên.
  • Bản thân cái ngẫu nhiên nó không phải là thuần túy, mà bên trong cái ngẫu nhiên bao giờ cũng che đậy và ẩn chứa yếu tố tất nhiên bên trong. 
  • Ví dụ: Giả định một ngã 4 ở một thành phố A, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Khi xem xét và những người có trách nhiệm kết luận: Khi chạy xe vào ngã 4 thì ở đầu ngã 4 có nhiều bản hiệu, cây xanh che khuất tầm nhìn và tầm quan sát của người tham gia giao thông. Đã vậy, tuyến đường này không có biển cảnh báo và đèn giao thông bị hỏng. Thậm chí không có cảnh sát giao thông túc trực, tạo nên tính chủ quan của người tham gia giao thông… Thế thì, đoạn đường này thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông là điều tất nhiên. Nhưng gọi là thường xuyên xảy ra thì phải thể hiện ra bên ngoài, cái bên ngoài ấy là những cái ngẫu nhiên. Đó là xảy ra ở người nào? Rơi vào những phương tiện nào?…tất cả điều đó là ngẫu nhiên. Nhưng tất cả ngẫu nhiên đó là không thuần túy mà đó là phản ánh, nó đã che đậy yếu tố tất nhiên của đoạn đường ấy.

Phạm trù tất nhiên và ngẫu nhiên nó chuyển hóa cho nhau:

  • Có nghĩa là tất nhiên và ngẫu nhiên nó không nằm ở trạng thái cũ, mà nó luôn luôn thay đổi cùng với sự thay đổi của các sự vật và hiện tượng. Trong những điều kiện nhất định thì tất nhiên có thể chuyển hóa thành ngẫu nhiên, và ngược lại ngẫu nhiên có thể chuyển hóa thành ngẫu nhiên trong một số điều kiện nhất định. Điều đó, cho thấy giữa tất nhiên và ngẫu nhiên chỉ là ranh giới tạm thời.
  • Ví dụ: Trong xã hội nguyên thủy con người lúc ấy trao đổi sản phẩm cho nhau như: một con gà đổi một đấu thóc, một cái rìu lấy một tấm vải,….thì việc trao đổi ấy là ngẫu nhiên. Bởi lẽ, trong thời kỳ đó lực lượng sản xuất còn thấp, sản phẩm làm ra chưa nhiều. Nhưng sau này lực lượng sản xuất phát triển và người ta sản xuất được nhiều sản phẩm hơn, thì cũng là cái việc trao đổi sản phẩm như trước nhưng lần này lại là mang tính tất nhiên.

Ý nghĩa phương pháp luận:

  • Vì cái tất nhiên nó gắn liền với bản chất của sự vật, và nó quyết định đến sự vận động và phát triển của sự vật. Thế còn cái ngẫu nhiên nó không gắn liền với bản chất của sự vật, và nó cũng không quyết định sự vận động và phát triển của sự vật. Chính vì vậy, trong hành động của mình thì con người phải dừng lại phải xuất phát từ cái tất nhiên và không được xuất phát từ cái ngẫu nhiên. Nói như vậy không có nghĩa là ta xem nhẹ cái ngẫu nhiên, vì bản thân cái ngẫu nhiên nó có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của sự vật. Chính vì vậy, trong hoạt động thực tiễn của mình thì ngoài những phương án chính thì cần nhiều phương án dự phòng. Để làm gì? Để chúng ta chủ động đáp ứng được những biến đổi ngẫu nhiên nó có thể xảy ra. Ví dụ: Khi có một cơn bão kéo đến thì ngoài những phương án chính, chúng ta cần có những phương án dự phòng. Để làm gì? Để đề phòng những biến đổi ngẫu nhiên có thể xảy ra.
  • Vì cái tất nhiên nó không tồn tại một cách thuần túy, mà nó tồn tại thông qua vô số cái ngẫu nhiên. Chính vì lẽ đó, mà ta muốn nhận thức được, hiểu được và nắm được cái tất nhiên thì chúng ta phải nghiên cứu, phân tích, so sánh với rất nhiều cái ngẫu nhiên. Những phát minh khoa học ở thế giới có rất nhiều phát minh xuất phát từ ngẫu nhiên: Định luật Newton,…
  • Trong những điều kiện nhất định, thì cái tất nhiên và ngẫu nhiên nó có thể chuyển hóa cho nhau như chúng ta đã trình bày ở trên. Không phải tất nhiên và ngẫu nhiên mãi mãi nằm ở vị trí cũ, mà trong những điều kiện nhất định chúng chuyển hóa cho nhau. Chính vì vậy mà ta cần tạo điều kiện hoặc làm cản trở hoặc để sự chuyển hóa đó diễn ra theo yêu cầu của hoạt động thực tiễn của con người.

Phần 5: Nội dung và hình thức:

Phạm trù nội dung và phạm trù hình thức:

Phạm trù nội dung:

  • Nội dung là một phạm trù triết học chỉ tổng hợp tất cả các mặt, các yếu tố, các quá trình tạo nên sự vật.

Phạm trù hình thức:

  • Hình thức là một phạm trù triết học chỉ phương thức, cách thức tồn tại và phát triển của sự vật; Là cách thức sắp xếp của nội dung, là hệ thống các mối liên hệ tương đối bền vững giữa các yếu tố của sự vật. Ví dụ: chữ “ANH” có nội dung các chữ cái là “A,N,H” giữa ba chữ cái này có mối liên hệ tương đối bền vững, nếu chúng ta đảo phương thức sắp xếp thì sẽ không còn là chữ “ANH” nữa mà có thể là chữ “HAN” hoặc “NHA”,…

Quan hệ biện chứng giữa phạm trù nội dung và hình thức:

  • Theo triết học duy vật, nội dung và hình thức có mối quan hệ biện chứng với nhau. Sự gắn bó này thể hiện trước hết ở sự thống nhất hữu cơ giữa chúng. Bởi lẽ, bất kỳ sự vật nào cũng có nội dung lẫn hình thức của nó. Sự thống nhất này thể hiện ở chỗ: Thứ nhất là không có hình thức không chứa nội dung, cũng như không có nội dung nào mà lại không tồn tại trong một hình thức nhất định; Thứ hai là các yếu tố tạo thành sự vật vừa góp phần tạo nên nội dung, vừa tham gia tạo nên hình thức và vì vậy nội dung, hình thức không thể tách rời mà còn gắn bó chặt chẽ với nhau.
  • Nội dung quy định hình thức. Cụ thể là, nội dung quyết định cả phương thức thể hiện và cả cách thức sắp xếp các yếu tố của hình thức. Nội dung luôn vận động và biến đổi, còn hình thức có tính ổn định tương đối. Sự biến đổi của nội dung là cơ sở cho sự biến đổi của hình thức. Khi nội dung thay đổi, thì các hình thức thể hiện nội dung sớm hay muộn cũng thay đổi theo.
  • Nội dung và hình thức có tính độc lập tương đối với nhau. Điều này thể hiện rõ ở chỗ, một nội dung có thể tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, một cái bánh chưng(bao gồm gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, muối, lá dong, lạt) có thể thể hiện ở hình thức bánh có hình vuông, hoặc cũng với nguyên liệu đó ta gói bánh tét hình trụ cũng được gói bằng lá dong ở ngoài được buộc chặt bằng dây lạt,… Cùng một hình thức có thể thể hiện những nội dung khác nhau như cũng là một chiếc bánh hình vuông, gói bằng lá dong và buộc bằng dây lạt,…nhưng bên trong có những thành phần và yếu tố khác nhau. Hơn nữa, hình thức cũng có tác động đối với nội dung nhất là khi hình thức mới ra đời.

Ý nghĩa phương pháp luận:

  • Vì nội dung và hình thức nhìn chung thống nhất với nhau, cho nên trong hoạt động thực tiễn cần chống khuynh hướng tác rời nội dung khỏi hình thức và cũng như hình thức khỏi nội dung. 
  • Phải biết sử dụng sáng tạo nhiều hình thức khác nhau trong hoạt động thực tiễn. Nhận thức sự vật phải bắt đầu từ nhận thức nội dung, nhưng không xem nhẹ nhận thức hình thức. Khi hình thức lạc hậu thì phải mạnh dạng thay đổi hình thức sao cho phù hợp với nội dung mới, thúc đẩy nội dung mới phát triển.

Phần 6: Bản chất và hiện tượng:

Phạm trù bản chất và phạm trù hiện tượng:

  • Bản chất: Là một phạm trù triết học chỉ tổng hợp tất cả các mặt, các mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định ở bên trong sự vật và quy định sự vận động và phát triển của sự vật đó. Bản chất gắn bó với cái chung, nhưng không phải cái chung nào cũng là bản chất. Bản chất và quy luật là hai phạm trù cùng bật, tuy nhiên bản chất rộng hơn và phong phú hơn quy luật.
  • Hiện tượng: Là phạm trù triết học chỉ cái biểu hiện ra bên ngoài của bản chất.

Quan hệ biện chứng giữa phạm trù bản chất và hiện tượng:

Theo triết học duy vật biện chứng, phạm trù bản chất và hiện tượng thống nhất trong sự vật.

  • Bản chất bao giờ cũng bộc lộ ra qua hiện tượng, còn hiện tượng bao giờ cũng là sự thể hiện của bản chất.
  • Không có bản chất thuần túy tách rời hiện tượng và ngược lại, không có hiện tượng không thể hiện bản chất.
  • Bản chất khác nhau bộc lộ qua các hiện tượng khác nhau.

Sự thống nhất giữa phạm trù bản chất và hiện tượng là thống nhất bao gồm mâu thuẫn. 

  • Bản chất sâu sắc hơn hiện tượng, nhưng dưới dạng cải biến.
  • Hiện tượng biểu hiện bản chất, nhưng dưới dạng cải biến.
  • Bản chất tương đối ổn định, còn hiện tượng biến đổi nhanh hơn bản chất.
  • Bản chất ẩn giấu bên trong, còn hiện tượng bộc lộ ra bên ngoài.

Ý nghĩa phương pháp luận:

  • Bản chất là cái chi phối sự vận động và biến đổi của sự vật, nên nhận thức phải đi đến nắm được bản chất của sự vật, không dừng ở hiện tượng,…Nắm được bản chất của sự vật mới có thể cải tạo nó. Muốn hiểu được bản chất của sự vật, phải phân tích các hiện tượng một cách có hệ thống.
  • Các hiện tượng hết sức đa dạng và thường không phản ánh bản chất của sự vật một cách giản đơn, nên việc phân tích hiện tượng để tìm bản chất phải hết sức khoa học, khách quan và kiên trì. Trong hoạt động thực tiễn, muốn cải tạo sự vật phải thay đổi bản chất của nó.

Phần 7: Khả năng và hiện thực:

Phạm trù khả năng và hiện thực:

Phạm trù khả năng:

  • Hiện thực: Là phạm trù triết học chỉ mọi cái đang tồn tại thực sự trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Ví dụ: Cây lúa mọc lên từ hạt lúa.

Phạm trù hiện thực:

Khả năng: Là phạm trù triết học được sử dụng để chỉ những cái có thể xảy ra trong tương lai khi có điều kiện tương ứng và trên cơ sở những tiền đề đã có. Ví dụ: Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài thì khả năng vụ lúa này bị chết khô.

Phân loại khả năng:

Căn cứ vào vai trò, vị trí triết học duy vật biện chứng đã chia khả năng thành nhiều loại khác nhau: 

  • Khả năng tất nhiên: Do nguyên nhân bên trong sự vật tạo ra, ví dụ như hạt ngô khi nảy mầm sẽ trở thành cây ngô.
  • Khả năng ngẫu nhiên: Do nguyên nhân bên ngoài sự vật tạo ra, ví dụ: yếu tố quyết định giới tính cá sấu con phụ thuộc vào nhiệt độ xum quanh ổ trứng.   
  • Khả năng gần: Là khả năng có đủ điều kiện để chuyển thành hiện thực trong thời gian gần. Ví dụ: Khả năng gần là vào năm 2030 đất nước chúng ta có thể trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
  • Khả năng xa: Là khả năng chưa có đủ điều kiện để chuyển thành hiện thực trong thời gian gần. Ví dụ: Chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội với 8 đặc trưng mà Đảng Cộng sản Việt Nam ta đã khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội(Bổ sung và phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Quan hệ biện chứng giữa khả năng và hiện thực:

  • Triết học duy vật biện chứng khẳng định khả năng và hiện thực tồn tại trong mối quan hệ chặt chẽ không tách rời nhau và có thể chuyển hóa lẫn nhau.
  • Trong cùng một điều kiện, mỗi sự vật có thể có một số khả năng khác nhau(phụ thuộc vào điều kiện). Trong tự nhiên, khả năng trở thành hiện thực là tự phát. Trong xã hội, bên cạnh các hiện thực khách quan, muốn khả năng trở thành hiện thực phải thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Do vậy, nhân tố chủ quan có vai trò rất lớn. 
  • Con người có thể thúc đẩy quá trình khả năng trở thành hiện thực, cũng có thể kìm hãm hoặc triệt tiêu khả năng, cản trở và không tạo điều kiện cho khả năng trở thành hiện thực.

Ý nghĩa phương pháp luận:

  • Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn phải tìm khả năng của sự vật ở chính sự vật. Trong hoạt động thực tiễn cần dựa vào hiện thực là chủ yếu, không nên chỉ dựa vào khả năng. Đồng thời, trong hoạt động thực tiễn cần tính đến nhiều khả năng khác nhau để có phương án giải quyết phù hợp. 
  • Để thực hiện khả năng, phải tạo cho nó các điều kiện cần và đủ. Do vậy, trong đời sống thực tiễn xã hội thì vai trò của con người là rất quan trọng trong việc xác định các khả năng, cũng như tạo ra các điều kiện cần và đủ cho khả năng có thể trở thành hiện thực.

Phần 8: PDF bài viết Triết Học Mác-Lênin – 6 Cặp Phạm Trù Trong Phép Biện Chứng Duy Vật

Bạn có thể xem bài viết Triết Học Mác-Lênin – 6 Cặp Phạm Trù Trong Phép Biện Chứng Duy Vật thông qua hình thức PDF với bố cục rõ nhất tại đây:

Bạn có thể tải bài viết Triết Học Mác-Lênin – 6 Cặp Phạm Trù Trong Phép Biện Chứng Duy Vật:

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, bạn có thể tải bài viết về TẠI ĐÂY!

Phần 9: Lời kết

Như vậy, chúng ta đã cùng nhau nghiên cứu xong các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật. Ở triết học Mác-Lênin phần tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu phần tiếp theo của phép biện chứng duy vật đó là “Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật”. Mời các bạn tiếp tục đồng hành cùng ChowChow Education ở phần sau.

Hệ thống bài viết về Chủ nghĩa Mác-Lênin đều nằm trong chuyên mục Kiến thức Lý Luận mời các bạn đón đọc!

Hãy để lại nhận xét của bạn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Website Giáo Dục
Logo
Enable registration in settings - general
Compare items
  • Total (0)
Compare
0
Shopping cart